Nguyên tắc sử dụng hợp lý cho phép sử dụng một tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả bao gồm các hình thức sử dụng thông qua việc sao chép dưới dạng bản sao hoặc bản ghi bởi bất kỳ một phương thức nào cho mục đích bình luận, phê bình, đưa tin hoặc giảng dạy, nghiên cứu, học tập mà không vi phạm quyền tác giả.

Tuy nhiên không phải mọi trường hợp đều được cho phép. Trên thực tế, không có quy tắc rõ ràng nào trong việc xác định việc sử dụng hợp lý, vì nó được xác định tùy vào từng trường hợp cụ thể. Vì vậy, để xác định xem liệu việc sử dụng tác phẩm trong các trường hợp cụ thể có phải là sử dụng hợp lý hay không, luật bản quyền quy định xem xét bốn yếu tố sau:

  1. Mục đích và đặc điểm của việc sử dụng, bao gồm việc sử dụng đó có tính chất thương mại không hay là chỉ nhằm mục đích giáo dục phi lợi nhuận;
  2. Bản chất của tác phẩm được bảo hộ
  3. Số lượng và chất lượng của phần được sử dụng trong tác phẩm được bảo hộ trên tổng thể;
  4. Vấn đề ảnh hưởng của việc sử dụng đó đối với tiềm năng thị trường hoặc đối với giá trị của tác phẩm được bảo hộ.

Mặc dù yếu tố này hay yếu tố khác có thể được cân nhắc nhiều hơn trong việc xác định việc sử dụng hợp lý, nhưng cần xem xét tất cả các yếu tố để xác định việc sử dụng hợp lý có được cho phép hay không. Tuy nhiên, yếu tố thường có ảnh hưởng lớn nhất là yếu tố thứ nhất và thứ tư.

Yếu tố 1: Mục đích và đặc điểm của việc sử dụng hợp lý

Yếu tố này chủ yếu tập trung vào việc sử dụng là thương mại hay phi lợi nhuận và liệu việc sử dụng có mang tính chất chuyển đổi hay không. Thông thường, mục đích phi lợi nhuận có khả năng là sử dụng hợp lý nhiều hơn so với mục đích thương mại. Ngoài ra, nếu việc sử dụng chuyển đổi là việc bổ sung điểm mới lạ khác biệt hay với một mục đích xa hơn nhưng vẫn không thay thế cho mục đích sử dụng ban đầu của tác phẩm thì nhiều khả năng là sử dụng hợp lý và nếu không có tính chất chuyển đổi như vậy thì ít có khả năng là sử dụng hợp lý.

Yếu tố 2: Bản chất của tác phẩm được bảo hộ

Yếu tố thứ hai xem xét bản chất cơ bản của tác phẩm, cụ thể là liệu nó có tính sáng tạo hơn hay thực tế hơn không. Việc sử dụng tác phẩm cơ bản sáng tạo hơn hoặc giàu trí tưởng tượng hơn ít có khả năng hợp pháp hơn so với việc sử dụng tác phẩm thực tế. Yếu tố này cũng xem xét tình trạng xuất bản của tác phẩm được bảo hộ. Khi tác phẩm được bảo hộ mà không được xuất bản, việc sử dụng ít có khả năng là sử dụng hợp lý.

Yếu tố 3: Số lượng đã sử dụng

Yếu tố thứ ba xem xét số lượng và thực chất của phần được sử dụng trong tác phẩm được bảo hộ. Trong trường hợp số lượng được sử dụng chiếm một lượng nhỏ trong tác phẩm được bảo hộ thì sẽ coi là hợp pháp. Nếu số lượng được sử dụng không đáng kể sẽ có lợi cho chủ sở hữu bản quyền. Nhưng nếu phần được sử dụng là “trái tim”, tức là phần cốt yếu của tác phẩm thì dù chỉ chiếm một số lượng nhỏ cũng sẽ được xem xét xem có hợp pháp hay không.

Yếu tố 4: Ảnh hưởng của việc sử dụng trên thị trường

Yếu tố thứ tư không chỉ xem xét liệu hoạt động này liệu có gây tổn hại cho thị trường hiện tại hay không và có gây phương hại đến các quyền của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả khi sản phẩm được sử dụng trở nên phổ biến hay không. Nếu việc sử dụng đó gây hại cho thị trường hoặc tiềm năng của chủ sở hữu bản quyền thì việc sử dụng đó sẽ coi là bất hợp lý. Cùng với yếu tố đầu tiên, yếu tố này là một trong những yếu tố quan trọng nhất trong phân tích sử dụng hợp lý.