Theo văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR), các trang thương mại điện tử do Tập đoàn Tencent và Alibaba của Trung Quốc điều hành đã được đưa vào danh sách “các thị trường lừa đảo” vi phạm bản quyền mới nhất của chính phủ Mỹ.

Danh sách các “thị trường khét tiếng” của Mỹ gồm 43 thị trường thương mại điện tử và 35 thị trường thực được cho là có tham gia hoặc tạo điều kiện cho việc làm giả nhãn hiệu hoặc vi phạm bản quyền.

USTR đều đặn xuất bản danh sách này từ năm 2011 để nâng cao nhận thức của cộng đồng và giúp các nhà điều hành thị trường và chính phủ ưu tiên các nỗ lực thực thi quyền sở hữu trí tuệ. Danh sách này được các cơ quan trong ngành như Hiệp hội Giày dép và Quần áo Mỹ (AAFA) và Hiệp hội Điện ảnh hoan nghênh và đề cao.

Danh sách này được Mỹ cập nhật hàng năm để tổng hợp các đơn vị lạm dụng và làm giả tài sản trí tuệ “tồi tệ nhất”.

Mỹ thêm Tencent và Alibaba vào danh sách thị trường hàng giả, hàng nhái

Theo CNBC, trong một tuyên bố mới đây, Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) cho biết, WeChat của Tencent và AliExpress của Alibaba – 2 thị trường thương mại điện tử quan trọng có trụ sở tại Trung Quốc – lần đầu tiên bị Mỹ liệt vào danh sách “thị trường khét tiếng” vì tạo điều kiện thuận lợi cho việc làm giả nhãn hiệu.

Alibaba và Tencent vào Top thương hiệu giá trị nhất thế giới
900Mỹ thêm Tencent và Alibaba vào danh sách thị trường hàng giả, hàng nhái

Ngoài 2 thành viên mới trong danh sách là WeChat và AliExpress, các thị trường trực tuyến có trụ sở tại Trung Quốc như Baidu Wangpan, DHGate, Pinduoduo và Taobao cũng tiếp tục nằm trong danh sách này, cùng với 9 thị trường thực ở Trung Quốc “được biết đến với việc sản xuất, phân phối và bán hàng giả”, văn phòng USTR cho biết.

Theo đánh giá của USTR, Alibaba được biết đến là nơi có một số quy trình và hệ thống chống hàng giả tốt nhất trong ngành thương mại điện tử.

Tuy nhiên, một số thương hiệu sở hữu đã ghi nhận sự gia tăng đáng kể hàng giả được rao bán trên AliExpress – nền tảng thương mại điện tử kết nối người bán tại Trung Quốc với người mua trên khắp thế giới. Chúng bao gồm những hàng hóa được quảng cáo một cách trắng trợn là hàng giả và những loại hàng giả được quảng cáo là hàng thật.

Sau khi bị USTR đưa vào danh sách, phía tập đoàn Alibaba cho biết họ nhận thức được vấn đề sở hữu trí tuệ, đồng thời bày tỏ sẽ tiếp tục làm việc với các cơ quan chính phủ để giải quyết những lo ngại trong việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trên các nền tảng của mình.

Trái lại, nói với BBC, một phát ngôn viên của Tencent nói: “Chúng tôi hoàn toàn không đồng ý với đánh giá của Đại diện thương mại Mỹ và cam kết hợp tác làm việc để giải quyết vấn đề này”. Tencent cho biết họ đã đầu tư nguồn lực đáng kể cho việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trên các nền tảng của mình.

Văn phòng USTR cho biết Mỹ cần theo đuổi các chiến lược mới và cập nhật các công cụ thương mại nội địa của mình để đối phó với “các chính sách và thông lệ do nhà nước lãnh đạo, phi thị trường” của Trung Quốc.

Theo BBC, Washington và Bắc Kinh vẫn đang vướng vào các vụ tranh chấp về thuế quan, công nghệ và sở hữu trí tuệ. Trong tuần này, căng thẳng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới lại một lần nữa bùng lên.

Trong một báo cáo thường niên phát hành hôm 16/2, USTR cho rằng dù đã trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới, song Trung Quốc đã nhiều lần không tuân thủ các cam kết thương mại. USTR cũng cáo buộc Trung Quốc đã gây “tổn thương nghiêm trọng” cho người lao động và các công ty trên khắp thế giới bằng các chính sách thương mại của mình.