Trong các khu chợ sinh viên như chợ Xanh, chợ Đồng Xuân, mua mỹ phẩm cũng dễ dàng như mua mớ rau con cá. Hoặc đơn giản chỉ cần ngồi ở nhà xem live stream bán hàng, bạn cũng có thể mua son phấn, mỹ phẩm thương hiệu từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan,… hay Anh, Mỹ. Thế nhưng liệu nguồn gốc xuất xứ và chất lượng của những mặt hàng này có đảm bảo hay không lại là một câu hỏi khó trả lời.

Mỹ phẩm giả ngày càng khó phân biệt. (Ảnh chụp màn hình)

Thật giả lẫn lộn

Gần đây, hàng loạt những cơ sở sản xuất mỹ phẩm không đảm bảo chất lượng, những kho hàng mỹ phẩm nhập lậu, không có giấy tờ bị phát hiện và thu giữ đã nói lên thực trạng hàng giả hàng nhái tràn lan trên thị trường hiện nay. Khi mức sống được nâng cao, nhu cầu với mỹ phẩm và làm đẹp ngày càng gia tăng. Đánh vào tâm lý sính ngoại của người tiêu dùng, hàng giả hàng nhái đã trà trộn vào thị trường một cách khó kiểm soát. Và càng khó kiểm soát hơn nữa khi mà “bán hàng online” đang lên ngôi.

Trên Facebook, chúng ta có thể thấy rất nhiều hot girl live stream bán mỹ phẩm của các nhãn hàng cao cấp như Dior, Tomford,… với giá chỉ vài nghìn đến vài chục nghìn. Thấy hàng “tốt”, giá lại mềm, rất nhiều người thi nhau “chốt đơn”. Vỏ thì là hàng hiệu, nhưng bên trong là gì, có lẽ chính người bán cũng không rõ. Những người bán hàng lấy lý do xả hàng bom, sample hãng tặng, tri ân khách hàng… để người mua tin tưởng.

Một vốn bốn lời

Nhập hàng về chỉ vài nghìn, vài chục nghìn đồng, nhưng bán ra là vài trăm nghìn. Lợi nhuận thu được từ kinh doanh mỹ phẩm giả quá “khủng”, quả là một miếng mỗi hấp dẫn. Chính vì kiếm tiền quá dễ nên nhiều người đã bất chấp lương tâm của mình. Thậm chí một số ca sĩ, diễn viên, người nổi tiếng cũng “PR” và bán những sản phẩm kém chất lượng mà không quan tâm đến sức khỏe của khách hàng.

Phần lớn những mặt hàng mỹ phẩm làm giả, làm nhái hiện nay được nhập lậu từ Trung Quốc. Với phương pháp gia công tinh xảo, nếu chỉ nhìn vào bao bì sản phẩm rất khó để có thể phân biệt đâu là thật, đâu là giả. Nếu không rành về mỹ phẩm thì mua phải hàng giả hàng nhái là điều khó tránh khỏi.

Chế tài xử phạt việc sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm giả

Căn cứ Điều 11 Nghị định 98/2020/NĐ-CP được sửa đổi bởi khoản 7 Điều 3 Nghị định 17/2022/NĐ-CP quy định về hành vi buôn bán hàng giả mạo, người thực hiện hành vi buôn bán hàng hóa giả mạo nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa sẽ bị phạt từ 1 đến 50 triệu đồng.

Tuy nhiên, trường hợp hàng hóa giả mạo là hàng mỹ phẩm sẽ bị xử phạt gấp đôi tức mức phạt tối đa cho hành vi này sẽ là 100 triệu đồng theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 11 Nghị định 98.

Ngoài ra, người vi phạm cũng có thể chịu các hình thức xử phạt bổ sung và buộc thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả.

Như vậy, mức xử phạt hành chính đã tăng lên gần gấp 2 lần so với trước đây, bao gồm khả năng tước giấy phép, chứng chỉ hành nghề,… Tuy nhiên, liệu nó có thể ngăn chặn việc sản xuất, buôn bán mỹ phẩm giả, nhái, kém chất lượng hay không, khi mà lợi nhuận thu được “khủng” hơn rất nhiều so với mức phạt hành chính và các biện pháp xử phạt khác?

Tác hại của mỹ phẩm giả

Nguồn gốc xuất xứ của mỹ phẩm giả thì không rõ, nhưng tác hại của chúng tới sức khỏe lại rất rõ ràng. Nhẹ thì bị kích ứng dị ứng, nặng thì bị ung thư da, nhăn trùng chảy xệ. Tại Bệnh viện Da liễu trung ương, trung bình mỗi ngày có hàng chục ca bệnh đến để chữa trị dị ứng do sử dụng mỹ phẩm.

Sử dụng mỹ phẩm giả gây những tác hại nặng nề với sức khỏe người dùng. (Ảnh chụp màn hình)

Kích ứng da

Mỹ phẩm giả thường không có các chất bảo vệ da mà thậm chí còn chứa các chất gây hại cho da, thường thấy nhất là corticoid. Corticoid là một chất giống nội tiết tố trong cơ thể, nhưng tác dụng phụ của nó là gây teo mỏng da, giãn mạch máu dưới da, làm da trở nên yếu hơn. Chất này cũng là nguyên nhân chính gây dị ứng da, nổi mụn, sần ngứa khi sử dụng các sản phẩm mỹ phẩm trôi nổi, chất lượng kém. Nghiêm trọng hơn, nó còn gây ra nám, chàm, viêm nang lông hay nhiễm trùng.

Sau khi sử dụng mỹ phẩm vài phút hoặc nhiều giờ, nếu có các biểu hiện như ngứa, nổi mẩn đỏ, cảm giác châm chích, bỏng rát, sưng phù, nổi mụn, bóng nước, bong vảy da…, rất có khả năng đó là mỹ phẩm giả không đảm bảo về chất lượng. Khi đó, bạn hãy ngưng sử dụng ngay lập tức và đến gặp bác sĩ da liễu để điều trị. Đặc biệt tránh việc sử dụng sang loại mỹ phẩm khác hay tự điều trị tại nhà.

Gây lão hóa nhanh

Các sản phẩm mỹ phẩm giả, đặc biệt là kem trộn có tác dụng làm da trắng mịn nhanh chóng khiến nhiều chị em mê thích. Nhưng thực chất trong đó không chứa chất gì thần kỳ. Chúng chứa các hóa chất độc hại như corticoid, parabens, formaldehyde, propylene glycol, chì, thủy ngân, kẽm, xyanua,… Các hóa chất có tác dụng tẩy trắng cực mạnh trong kem trộn gây bào mòn da, khiến da mất đi lớp màng bảo vệ vốn có. Sau một thời gian, da sẽ trở nên bong tróc, xuất hiện nhiều mụn cám li ti và sạm đi nhanh chóng. Làn da sẽ bị lão hóa sớm, trở nên nhăn nheo, nhiều tàn nhang, đồi mồi… Công dụng của chúng chỉ là tức thời, nhưng hệ quả kéo theo có thể là cả đời.

Theo BS. Phạm Hồng Hải, Phó giám đốc Bệnh viện Da liễu Tp.HCM, việc sử dụng mỹ phẩm giả lâu dài gây ra những hậu quả nặng nề. Da bị ngộ độc do mỹ phẩm có chứa kim loại nặng hoặc thủy ngân có thể điều trị không khỏi, để lại di chứng về sau.

Ung thư da

Đã có những trường hợp, các chất độc hại có trong mỹ phẩm giả ảnh hưởng nặng tới mức biến đổi các tế bào dẫn đến u bướu hay ung thư như: ung thư vú, ung thư phổi, ung thư tử cung. Chúng cũng là nguyên nhân gây ra những căn bệnh về nội tiết tố, các bệnh về tim mạch, gan, các bệnh về thần kinh và não.

Mua mỹ phẩm chính hãng ở đâu?

Công nghệ làm giả, làm nhái mỹ phẩm ngày càng tinh vi khiến cho việc phân biệt hàng thật hàng giả trở nên càng khó khăn. Và càng khó khăn hơn khi mà một số cửa hàng mỹ phẩm lớn cũng đã có “phốt” trộn hàng fake chỉ vì tham lợi nhuận. Chính vì vậy, bạn không nên tin tưởng tuyệt đối vào các store lớn và cần có những kiến thức nhất định về mỹ phẩm để chắc chắn không bị lừa khi mua và sử dụng mỹ phẩm.

Đối với mỹ phẩm nhập khẩu chính ngạch, trên mỗi sản phẩm sẽ dán nhãn ghi rõ tên sản phẩm, nước sản xuất, ngày sản xuất, hạn sử dụng, thành phần, công thức bằng tiếng Việt; đồng thời, có dán tem chống hàng giả. Đối với hàng xách tay, bạn có thể yêu cầu chủ cửa hàng cung cấp hóa đơn mua sản phẩm tại store của ngước ngoài. Trên trang web chính thức của các nhãn hàng mỹ phẩm cũng cung cấp các hình ảnh chi tiết về bao bì sản phẩm để bạn có thể so sánh, đối chiếu trước khi mua. Đồng thời, bạn cũng có thể phân biệt mỹ phẩm thật và giả qua chất lượng và mùi hương của sản phẩm.

Để đảm bảo mua được hàng chính hãng, bạn chỉ nên mua ở các cửa hàng, đại lý phân phối uy tín của hãng, chẳng hạn như các gian hàng mỹ phẩm trong các trung tâm thương mại. Hãy là người tiêu dùng thông thái, chỉ sử dụng mỹ phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và được kiểm định chất lượng để tránh “tiền mất, tật mang”.