Đối với các mọt điện ảnh, hay những fan hâm mộ vũ trụ điện ảnh bom tấn Marvel, chắc hẳn ai cũng sẽ không thể không biết đến những thước phim Spiderman với đồ họa đẹp mắt và thu hút hàng triệu người xem từ khắp mọi miền thế giới. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết đến sự tranh chấp về bản quyền đối với nhân vật Spider-Man giữa Sony và Marvel. Vậy, nguyên do của sự tranh chấp về quyền đối với nhân vật này là gì?

Nhân vật Spider-Man hay còn được các bạn trẻ biết đến với cái tên Người nhện – Peter Parker, thậm chí đối với một lượng độc giả nhất định – Miles Morales. Tuy nhiên, trong bài viết này ta sẽ chỉ đề cập đến nhân vật Peter Parker.

Peter vốn là một cậu học sinh nhút nhát và mồ côi cha mẹ khi mới lên 6 tuổi. Cha mẹ anh mất trong một vụ tai nạn máy bay kinh hoàng. Sau đó, Peter đã may mắn được dì May (Aunt May) và dượng Ben (Uncle Ben) nuôi nấng và coi như con đẻ. Trải qua những thay đổi bất thường ở tuổi vị thành niên trong một lần đi tham dự hội thảo khoa học, Peter vô tình bị cắn bởi một chú nhện trong phòng thí nghiệm. Sau khi hôn mê, lúc tỉnh dậy, anh thấy mình trở nên vạm vỡ và có những khả năng phi thường. Nhờ vào khả năng này mà anh có thể sử dụng nó để chống lại những kẻ ác hay những kẻ tội phạm, giúp đỡ những kẻ yếu nhưng luôn giữ kín tung tích của mình.

Spider-Man được ra mắt lần đầu trong Amazing Fantasy vol 1 #15 vào tháng 8 năm 1962, dưới ngòi bút tinh tế và sắc sảo của 2 nhà văn vĩ đại: Steve Ditko và Stan Lee. Nhân vật Peter Parker, Spider-Man ngay lập tức đã thổi bùng 1 làn gió mới trong làng truyện tranh thời đó. Trong suốt nhiều năm, Spider-Man đã trở thành con gà đẻ trứng vàng, thu lại lợi nhuận cực khủng cho Marvel Comics, trở thành 1 trong những siêu anh hùng nổi tiếng nhất và được yêu thích nhất mọi thời đại. 

Nhất là trong thời kỳ mà nền điện ảnh, truyền hình vẫn còn chưa phát triển, chỉ với riêng Spider-Man, Marvel đã gặt hái được một nguồn thu khổng lồ. Tuy nhiên, sau đó thì tình hình bắt đầu có dấu hiệu chuyển biến. Cụ thể, vào giai đoạn công ty Marvel đang trên bờ vực phá sản thì các tổng biên tập lớn đang phải chạy theo dự án dài hơi của Spider-man là The Clone Saga. Bộ truyện kéo dài từ năm 1994 đến 1996, đúng vào thời kì kinh tế tồi tệ nhất của Marvel. Sau khi không thể chi trả nổi các khoản nợ khổng lồ, Marvel đã quyết định bán bản quyền làm phim Spider-man cho ông lớn Sony. Sau đó nhân vật Spiderman này đã được hãng phim tạo lên những thước phim đi vào văn hóa giới trẻ thanh thiếu niên đến tận bây giờ.

Spider-Man chính thức lên màn ảnh rộng

 Với sự chỉ đạo của Sam Raimi và nam diễn viên trẻ Tobey Maguire trong vai chính Peter Parker, Spider-Man đã được khởi chiếu năm 2002 và gặt hái những thành tựu rực rỡ sau hơn 25 năm trì trệ. Nhờ sự trung thành với bản gốc, cùng diễn xuất và nhạc phim được đánh giá cao, Spider-Man 2002 đã trở thành tác phẩm “khởi sắc” dòng phim siêu anh hùng đầu thập niên 2000. Chỉ sau một tuần công chiếu, bộ phim đã cán mốc doanh thu 100 triệu USD và trở thành phim ăn khách thứ 6 trong lịch sử tại thời điểm đó. Hình tượng Spider-Man do Tobey Maguire thủ vai đã trở thành khuôn mẫu cho mọi tác phẩm về Người Nhện sau này. Tiếp nối thành công của Spider-Man, tác giả Sam Raimi và Tobey Maguire tiếp tục hợp tác cho ra mắt Spider-Man 2 (2004) và Spider-Man 3 (2007). Cả hai đều mang đến cho Sony những thành công lớn về mặt thương mại.

Lịch sử tranh chấp quyền đối với nhân vật Spiderman giữa Sony và Marvel

Dù ba phần phim Spider-Man 3 đều gặt hái được nhiều thành công và được người xem phản hồi tích cực, nhưng khi đang trong tiến trình sản xuất phần 4, đạo diễn Sam Raimi lại gặp khó khăn do không hài lòng với kịch bản mà phía Sony đề ra. Cuối cùng, sau khi nhận thấy mình không thể cho ra mắt phần 4 vào năm 2011 như kế hoạch của Sony, Sam Raimi quyết định rời ghế đạo diễn. Thay vì tìm một đạo diễn khác, Sony triển khai kế hoạch tái khởi động, hay còn gọi là Reboot một loạt phim mới về Người Nhện, do nam diễn viên Andrew Garfield thủ vai chính và Marc Webb làm đạo diễn.

Ra mắt chỉ 5 năm sau Spider-Man 3, tưởng như The Amazing Spider-Man – phiên bản Người Nhện mới sẽ chật vật để thoát khỏi cái bóng quá lớn của tiền bối, tuy nhiên, sự thật lại chứng minh điều ngược lại. The Amazing Spider-Man 2012 không chỉ nhận về nhiều lời khen về các pha hành động mãn nhãn, diễn xuất và đạo diễn như loạt phim trước, mà thậm chí phiên bản của Andrew Garfield còn được đánh giá là “thực tế hơn” so với phiên bản của Tobey Maguire.

Tiếp nối thành công của phần đầu, The Amazing Spider-Man 2 nhanh chóng được sản xuất và công chiếu vào năm 2014. Tuy nhiên, cũng giống như Spider-Man 3 của Sam Raimi trước đó, The Amazing Spider-Man 2 nhận về nhiều phản hồi tiêu cực do có quá nhiều vai phản diện, làm xáo trộn mạch phim. Bên cạnh đó, doanh thu của The Amazing Spider-Man 2 cũng đạt mức thấp nhất so với tất cả các phim về Người Nhện trước đó, khiến cho ông lớn Sony dần từ bỏ kế hoạch sản xuất phần 3.

Thỏa thuận giữa Sony và Marvel

Sau màn ra mắt không như mong đợi của The Amazing Spider-Man 2, Sony bắt đầu cân nhắc các lựa chọn kế tiếp cho nhân vật Người Nhện. Một trong số đó là đưa đạo diễn Sam Raimi trở lại để chèo lái một phiên bản Spider-Man mới. Vậy nhưng, kế hoạch này đã bị hủy bỏ vì thỏa thuận giữa Sony với Disney – công ty chủ quản hãng phim Marvel Studios. Nhận thấy thành công của vũ trụ điện ảnh Marvel (MCU), kể từ năm 2016, Sony đã chấp thuận cho phép Spider-Man gia nhập vũ trụ điện ảnh này, và cho ra đời phiên bản Người nhện do Tom Holland thủ vai, trong đó có nhiều điều khoản ngoặt ngoèo – điều tạo nên xôn xao dư luận thế giới về sự tranh chấp quyền giữa Marvel và Sony.

Cụ thể là, hai bên đã đạt thỏa thuận rằng Disney sẽ nhận 5% doanh thu cho mỗi phim Spider-Man do Sony cùng Marvel Studios hợp tác sản xuất, còn phim team-up như Avengers thì sẽ là 100%.  Ngoài ra, Disney cũng được phép thu toàn bộ lợi nhuận khác ngoài tiền phòng vé như đồ chơi, sản phẩm ăn theo, doanh thu quảng cáo của các nhãn hàng – 1 nguồn doanh thu được cho là cũng rất khủng. Theo 1 số tin đồn, Sony cũng sẵn sàng trả thêm 1 khoản tiền chưa được tiết lộ cho Disney.

Nhờ thế, Spider-Man của Tom Holland đã đem lại lợi nhuận cực khủng cho Sony. Việc họ khai thác Spider-Man cũng đã có nhiều biến chuyển, khi Spider-Man PS4 đã thành công trong thị trường game còn bộ phim hoạt hình Spider-Man: Into The Spider-Verse đã đem về cho họ 1 giải Oscar danh giá.

Tuy nhiên, mới đây thì mâu thuẫn lại nổ ra 1 lần nữa, khi rất có khả năng rằng Spider-Man sẽ phải rời khỏi MCU. Điều này là do cả 2 bên Disney và Sony không thể đạt được những thỏa thuận chung sau chuỗi thành công trong thời gian vừa qua.

Theo các nguồn tin, việc chia tách này xảy ra là bởi vấn đề về mặt tiền bạc. Disney muốn lập ra thỏa thuận mới, với yêu cầu chia đều lợi nhuận là 50/ 50 cho cả 2 hãng. Tuy nhiên, Sony đã từ chối và đề nghị đưa ra 1 con số khác, có ý muốn giữ nguyên những điều khoản ban đầu. Dĩ nhiên, con số đó đã không làm vừa ý bên Disney và cả 2 bên vẫn chưa có dấu hiệu sẽ quay trở về bàn đàm phán.

Nếu các mâu thuẫn này còn tiếp tục, dự kiến triology mới của Tom Holland trong các bộ phim Spider-Man 4, 5, 6 sắp tới sẽ có thể bị trì hoãn vô thời hạn, thậm chí là cắt ngang như với Spiderman 3 năm 2007 và The Amazing Spider Man 2 năm 2014.

Liệu bản Spider-Man: No Way Home (2021) sẽ có thể là lần cuối cùng ta thấy người nhện Tom Holland? Không ai có thể biết được tương lai nhưng chắc chắn rằng nếu điều này xảy ra, khán giả trên toàn cầu sẽ phải chịu cú sốc lớn khi không còn được thấy Tom Holland – ngôi sao mới nổi ở Hollywood này nữa.