Việc gia nhập Thỏa ước Lahay về đăng ký quốc tế kiểu dáng công nghiệp (KDCN) giúp tiết kiệm thời gian và chi phí đăng ký hơn. Ngoài ra, các thủ tục cũng trở nên đơn giản hơn. Bên cạnh đó, việc gia nhập Thỏa ước Lahay còn phù hợp với xu hướng hội nhập quốc tế; góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội. Đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp Việt bước ra thế giới.

Thỏa ước Lahay

Thỏa ước Lahay về đăng ký quốc tế KDCN là điều ước quốc tế đặc biệt. Thỏa ước được ký kết trong không khổ Công ước Paris tại La-Hay vào ngày 6/11/1925.

Hiện tại, Liên minh Lahay có sự tham gia của hơn 70 thành viên; bao trùm đến 90 quốc gia với các nền kinh tế phát triển. Các nước ASEAN hiện cũng đã cam kết cùng gia nhập Thỏa ước Lahay nhằm đơn giản hóa thủ tục xác lập quyền đối với KDCN cho người nộp đơn tại khu vực. Từ đó, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế ASEAN trên thế giới.

Lợi ích khi Việt Nam tham gia Thỏa ước Lahay

Trước khi Việt Nam tham gia Thỏa ước Lahay, các tổ chức, các nhân Việt Nam muốn bảo hộ KDCN của mình ở nước ngoài thường tốn nhiều thời gian và chi phí. Việc nộp đơn ở nước ngoài chỉ có một hình thức duy nhất đó là nộp đơn đăng ký trực tiếp tại các cơ quan SHTT của từng quốc gia riêng lẻ. Các đơn bị đăng ký cần phải làm nhiều đơn khác nhau bằng nhiều ngôn ngữ và theo yêu cầu của từng nước mà họ muốn đăng ký. Điều này khiến các chủ đơn mất nhiều thời gian và chi phí cho việc tìm hiểu quy định pháp luật của các nước; đặc biệt là phí thuê luật sư tại từng quốc gia. Theo đó, các doanh nghiệp và cá nhân nước ngoài cũng gặp khó khăn tương tự tại Việt Nam.

Việc tham gia Thỏa ước La Hay sẽ đem lại nhiều lợi ích cho các chủ đơn tại Việt Nam. Khi gia nhập Thỏa ước La Hay, quy trình bảo hộ KDCN được rút gọn đáng kể. Các tổ chức, doanh nghiệp chỉ cần nộp một đơn đăng ký duy nhất cho Văn phòng quốc tế của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO); thay vì phải nộp nhiều đơn cho từng nước. Đồng thời,người nộp đơn cũng dễ dàng quản lý các đăng ký quốc tế KDCN của mình. Việc thực hiện các thủ tục sau đăng ký như gia hạn hiệu lực, chuyển giao quyền sở hữu, thay đổi tên, địa chỉ của chủ sở hữu, v.v… cũng trở nên thuận lợi hơn. Vì chỉ cần giao dịch với một cơ quan duy nhất là Văn phòng quốc tế.

So sánh hai cách thức nộp đơn theo đường quốc gia và theo Thỏa ước La Hay . Ảnh: SHTT

Phù hợp tình hình kinh tế hiện tại của Việt Nam

Gia nhập Thỏa ước La Hay là một phương án phù hợp với tình hình hiện tại của Việt Nam. Tuy nhiên, trong thời gian tới chúng ta cần sửa đổi, bổ sung một số quy định pháp luật hiện hành để phù hợp hơn với Thỏa ước.

Bên cạnh đó, cần phổ biến thông tin về Thỏa ước cho các doanh nghiệp thông qua các hội thảo.  Ngoài ra, cần nâng cao kiến thức về việc đăng ký KDCN theo Thỏa ước La Hay cho các đối tượng thuộc lĩnh vực SHTT; đặc biệt là các đại diện sở hữu công nghiệp. Điều này giúp họ có đủ chuyên môn để tư vấn và hỗ trợ người nộp đơn. Tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân, doanh nghiệp trong việc nộp đơn đăng ký..

Việc gia nhập Thỏa ước La Hay đáp ứng nhu cầu thực tiễn đối với tình hình Việt Nam hiện tại; đặc biệt trong bối cảnh SHTT đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho các cá nhân, doanh nghiệp và tổ chức trong và ngoài nước đăng ký quốc tế KDCN. Đồng thời, đảm bảo thực hiện cam kết của Việt Nam trong các Hiệp định thương mại tự do như EVFTA hay CPTPP.

-Vicma-