Tiếp nối bài viết Lịch sử Luật Bản Quyền của Mỹ (Phần 4), bài viết sau sẽ tiếp tục liệt kê những mốc thời gian quan trọng tạo nên Lịch sử Luật Bản Quyền của Mỹ, chủ yếu xoay quanh những dấu mốc quan trọng trong thập niên thứ 2 của thế kỉ 21.
2011: Dự luật Đình chỉ hoạt động vi phạm bản quyền trực tuyến (SOPA)/Dự luật Bảo vệ IP (PIPA)
Dự luật Đình chỉ hoạt động vi phạm bản quyền trực tuyến (tiếng Anh: Stop Online Piracy Act, viết tắt tiếng Anh là SOPA), còn được gọi là HR 3261, là một dự luật được đề nghị tại Quốc hội Hoa Kỳ vào năm 2011 nhằm chống lại sự truyền tải trực tuyến những tài sản sở hữu trí tuệ được bảo hộ bản quyền và hàng hóa tiêu dùng giả mạo.
Dự luật Bảo vệ IP (tiếng Anh: Protect IP Act, hoặc là PIPA) là một đạo luật đề xuất với mục tiêu là cung cấp cho chính phủ Hoa Kỳ và chủ sở hữu bản quyền các công cụ bổ sung để hạn chế quyền truy cập vào “các trang web lừa đảo dành riêng cho việc bán hàng vi phạm hoặc hàng giả”, đặc biệt là những trang web được đăng ký bên ngoài Hoa Kỳ.
Về cơ bản, PIPA là sự viết lại của Dự Luật COICA khi mà dự luật chống vi phạm trực tuyến và hàng giả này không được thông qua vào năm 2010.
Cụ thể, Dự luật SOPA được Đại diện Lamar Smith (R-TX) đưa vào Hạ viện và Dự luật PIPA được Thượng nghị sĩ Patrick Leahy (D-VT) đưa vào Thượng viện vào năm 2011.
2 bản dự luật này được đưa ra nhằm ngăn chặn các mạng thanh toán tiến hành kinh doanh với các trang web vi phạm, cấm các công cụ tìm kiếm liên kết đối với các trang web vi phạm, yêu cầu chặn quyền truy cập vào các trang web và mở rộng việc áp dụng các hình phạt hình sự, cũng như nhiều mục đích khác.
Dẫu rằng 2 bản dự luật được một lượng lớn các nhà lập pháp và các công ty, tổ chức tầm cỡ như Hiệp Hội Điện ảnh Hoa Kỳ, Hiệp Hội Ghi Âm Hoa Kỳ, Macmillan US, Viacom, Nike, L’Oréal và Acushnet,… ủng hộ, nó cũng gặp được nhiều ý kiến phản đối mãnh liệt, có thể kể đến như các hãng khổng lồ công nghệ Google, Yahoo!, YouTube, Facebook, Twitter, AOL, LinkedIn,…
Trong những tháng cuối năm 2011 và đầu năm 2012, 2 bản dự luật đã vướng phải sự phản đối của hàng ngàn, hàng vạn cá nhân dẫn đầu bởi nhiều tổ chức, tập đoàn lớn trên khắp Hoa Kỳ.
Cuối cùng, vào ngày 18 tháng 1 năm 2012, nhiều nhà đồng tài trợ cho các dự luật đã rút lại sự ủng hộ của họ và không dự luật nào được thông qua.
2011: Các giới hạn và ngoại lệ của WIPO đối với Thư viện và Kho lưu trữ
Hiện nay, Luật bản quyền của Hoa Kỳ cho phép thư viện làm bản sao của tài liệu in ấn để cho học sinh, sinh viên có thể mượn trong thư viện hoặc mượn liên thư viện. Ngoài ra, thư viện cũng có thể tạo các các bản sao bao gồm bản nghiên cứu và các bản sao dự phòng cho mục đích lưu trữ (bảo quản và thay thế). Việc cho mượn các tài liệu phi in ấn trong thư viện số/thư viện điện tử phải tuân theo các quy định của pháp luật nhằm tránh ảnh hưởng đến lợi ích kinh tế của chủ sở hữu quyền.
Tuy nhiên, thời hạn nào từ khi tác phẩm được xuất bản mà thư viện có quyền được sao chép, in ấn các tác phẩm của chủ sở hữu quyền cũng như các biện pháp hạn chế, giới hạn, ngoại lệ của các hành động đó vẫn là vấn đề gây tranh cãi trên khắp thế giới và bộ luật bản quyền hiện tại của mọi quốc gia chắc chắn vẫn sẽ chưa phải là bản cuối, bởi lẽ còn nhiều điều còn cần sửa đổi, đặc biệt là trong thời đại công nghệ 4.0 phát triển cấp tốc hiện nay với thư viện số, kho lưu trữ số.
Chính vì vậy, Ủy ban Thường trực của Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới (WIPO) về Bản quyền và Quyền Liên quan (SCCR) đã thảo luận về các hạn chế và ngoại lệ đối với thư viện và kho lưu trữ từ năm 2008 cùng với các giới hạn và ngoại lệ đối với các cơ sở giáo dục và nghiên cứu.
Vào tháng 11 năm 2011, WIPO đã triệu tập một cuộc họp đặc biệt nhằm tranh luận những vấn đề nóng hổi nhất thời điểm đó và việc bảo quản, quyền sao chép, ký gửi hợp pháp, cho mượn tại thư viện, nhập khẩu song song, sử dụng xuyên biên giới, tác phẩm mồ côi, trách nhiệm pháp lý, công nghệ, các biện pháp bảo vệ và hợp đồng,… đều là những chủ đề gây tranh cãi được nhiều người quan tâm.
Vấn đề sở hữu trí tuệ liên quan đến thư viện và kho lưu trữ liên tục xuất hiện như một mục trong chương trình nghị sự của WIPO SCCR. Qua đó, việc bảo hộ quyền của chủ sở hữu đồng thời đảm bảo sự tiếp cận của người dân đến các thư viện, tài sản công cộng để tham khảo nhằm mục đích phát triển xã hội chính là một sự hài hòa khó đạt được mà không chỉ WIPO, Hoa Kỳ mà mọi quốc gia khác trên thế giới cũng phải liên tục cập nhật.
2012: Hiệp ước WIPO Bắc Kinh về biểu diễn nghe nhìn
Vào ngày 24 tháng 6 năm 2012, các quốc gia thành viên của WIPO đã ký kết Hiệp ước Bắc Kinh về Biểu diễn Nghe nhìn (WIPO Beijing Treaty on Audiovisual Performances).
Nghệ thuật và bản quyền vốn là 2 khái niệm lạ lẫm không giao thoa với nhau. Nghệ thuật vốn là một khái niệm trừu tượng nhưng ít nhất nó đã được định hình. Trái lại, đối với hầu hết các quốc gia trên thế giới thì khái niệm về bản quyền nghệ thuật, bản quyền vũ đạo, hay bản quyền biễu diễn,… vẫn là những cụm từ lạ lẫm.
Bởi lẽ từ khi Trái Đất sinh ra đã có gần 100 tỷ nhân loại sinh sống và tồn tại. Trong gần 100 tỷ nhân loại này, hầu hết đều có thể trưởng thành, lớn lên và đi lại, kiếm sống. Chính vì vậy mà việc thiết lập quyền tác giả cho một hình thức chuyển động của một cá nhân nào đó đối với một số lượng lớn người trên thế giới là điều không hợp lí.
Bởi lẽ không có gì chắc chắn rằng hình thức biểu diễn đó của người đó là độc nhất và trong dòng sông dài của lịch sử, chưa từng có ai thực hiện một động tác tương tự.
Dẫu vậy, việc thực hiện động tác đó có thể không độc nhất nhưng việc lan truyền động tác biểu diễn đó cho hàng trăm triệu, hàng tỷ người trên thế giới chính là một hành động độc nhất chỉ có thể được thực hiện trong thời đại Internet hiện nay.
Chính vì vậy, đối với WIPO, việc công nhận công sức của những cá nhân đó chính là điều cần phải thực hiện. Từ lâu, WIPO đã muốn thiết lập một hiệp ước nhằm bảo hộ bản quyền đối với các tác phẩm nghe nhìn (Audiovisual Performances). Năm 2000, WIPO đã trình hiệp ước này tại một hội nghị ngoại giao nhưng không được thông qua.
Mãi đến hội nghị ngoại giao 2012, WIPO mới thông qua được Hiệp ước Bắc Kinh về biểu diễn nghe nhìn. Đây là hiệp ước bản quyền WIPO đầu tiên được thông qua kể từ Hiệp ước Internet WIPO năm 1996 (Hiệp ước WIPO về quyền tác giả và Hiệp ước của WIPO về biểu diễn và bản ghi âm – WCT và WPPT).
Theo đó, Hiệp ước Bắc Kinh về biểu diễn nghe nhìn cung cấp cho người biểu diễn trong các tác phẩm nghe nhìn các quyền tài sản và quyền nhân thân độc quyền đối với các buổi biểu diễn của họ. Cụ thể, các nghệ sĩ – diễn viên truyền hình và phim, nhạc sĩ, vũ công, biên đạo múa và những nghệ sĩ khác từ đây sẽ được hưởng các quyền tài sản độc nhất bao gồm quyền phân phối, quyền cho thuê, quyền tái sản xuất, quyền phát hành, quyền phát sóng.
49 quốc gia, bao gồm cả Hoa Kỳ, đã ký hiệp ước khi kết thúc hội nghị ngoại giao. Tuy nhiên, hiệp ước Bắc Kinh yêu cầu ba mươi quốc gia phê chuẩn trước khi có hiệu lực tại các quốc gia đó.
Với sự phê chuẩn của Indonesia vào ngày 28 tháng 1 năm 2020, Hiệp ước Bắc Kinh sẽ có hiệu lực đối với 30 quốc gia ký kết phê chuẩn vào ngày 28 tháng 4 năm 2020.
Tính đến ngày 2 tháng 3 năm 2021, hiệp ước vẫn KHÔNG có hiệu lực ở EU, Vương quốc Anh và cả Hoa Kỳ bởi lẽ các quốc gia này vẫn chưa phê chuẩn hiệp ước (Vào tháng 2 năm 2016, Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama đã đệ trình hiệp ước này lên Thượng viện Hoa Kỳ để phê chuẩn).