Việc quảng bá sản phẩm trên mạng xã hội bởi những người nổi tiếng và những người có ảnh hưởng đã trở thành chiến lược tiếp thị quan trọng của nhiều công ty. Những người nổi tiếng thường hợp tác tạo ra những sản phẩm cụ thể hoặc thậm chí đảm nhận các vai trò như giám đốc nghệ thuật cho các thương hiệu. Tuy nhiên, các mối quan hệ hợp tác này không phải lúc nào cũng diễn ra theo đúng kế hoạch, và thậm chí còn dẫn đến những tranh chấp pháp lý phức tạp. Bài viết này sẽ đề cập đến một vụ việc diễn ra gần đây liên quan đến ca sĩ kiêm doanh nhân Rihanna và thương hiệu thể thao Puma.
Quan hệ hợp tác giữa Puma và Rihanna
Trong vụ việc này, những bức ảnh được đăng trên tài khoản Instagram Rihanna để kỷ niệm việc cô được bổ nhiệm làm giám đốc nghệ thuật của Puma đã thu hút được sự chú ý của người hâm mộ. Những bức ảnh này đã trở thành tâm điểm trong quyết định gần đây của Tòa án EU liên quan đến việc đăng ký kiểu dáng công nghiệp của Puma.
Puma SE đã nộp đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp vào ngày 26 tháng 7 năm 2016. Kiểu này thể hiện các đặc điểm của mẫu giày thể thao mới, được phân loại trong nhóm 02-04 theo Thỏa ước Locarno. Tuy nhiên, Handelsmaatschappij J. Van Hilst BV đã nộp đơn lên Văn phòng Sở hữu Trí tuệ Liên minh Châu Âu (EUIPO) để phản đối đơn đăng ký kiểu dáng của Puma. Công ty đã đưa ra những bức ảnh từ tài khoản Instagram của Rihanna được đăng vào ngày 16 và 17 tháng 12 năm 2014, trong đó cô ca sĩ đang đi giày giống với chiếc giày có kiểu dáng được đăng ký vào năm 2016 của Puma.
Phán quyết và kháng cáo ban đầu
Ngày 19 tháng 3 năm 2021, EUIPO ra quyết định ban đầu vô hiệu kiểu dáng của Puma. Puma SE sau đó đã kháng cáo quyết định này vào ngày 21 tháng 4 năm 2021, nhưng không được chấp nhận. Quyết định trên đã làm nổi bật tầm quan trọng của việc chủ sở hữu phải thận trọng khi tiết lộ kiểu dáng.
Bằng chứng từ tài khoản Instagram của Rihanna, bao gồm các hình ảnh chất lượng cao được đăng tải ngày 16 và 17 tháng 12 năm 2014, cho thấy tất cả các đặc điểm chính của kiểu dáng được công bố trước đó, tương đồng với kiểu dáng được đăng ký sau của Puma. Tòa án sau đó cũng đã bác bỏ lập luận của Puma cho rằng sự quan tâm của công chúng đối với giày của Rihanna là chưa đủ vào thời điểm cô chia sẻ bài đăng của mình. Với danh tiếng của Rihanna, các bài đăng của cô có thể được cả người hâm mộ và các chuyên gia trong ngành thời trang quan tâm.
Quyết định của Tòa án chung nhấn mạnh sự cần thiết của việc đăng ký kiểu dáng công nghiệp sớm. Kể từ ngày kiểu dáng được công bố lần đầu tiên, cho dù là tại triển lãm thương mại hay trên mạng xã hội, các doanh nghiệp đều có thời gian gia hạn 12 tháng để nộp đơn xin bảo hộ kiểu dáng đó. Không tuân thủ thời hạn trên có thể dẫn đến việc kiểu dáng bị từ chối, như trong vụ việc giữa Rihanna và Puma.
Các doanh nghiệp sở hữu kiểu dáng phải theo dõi cẩn thận những thông tin được chia sẻ công khai bởi những người có ảnh hưởng và người nổi tiếng hợp tác với họ. Việc ký kết các thỏa thuận không tiết lộ (NDA) hoặc giám sát chặt chẽ nội dung trên mạng xã hội có thể giúp ngăn chặn việc tiết lộ ngoài ý muốn có thể ảnh hưởng xấu đến việc đăng ký kiểu dáng công nghiệp.
Vụ việc trên đóng vai trò như một lời nhắc nhở để các thương hiệu hành động sớm hơn trong việc bảo vệ kiểu dáng công nghiệp của mình nhằm tránh vi phạm quy định về sở hữu trí tuệ và bảo vệ quyền SHTT của họ.