Tài năng là ‘tài’ được ông trời ban tặng. Tuy nhiên, như ta thường nói, 1% tài năng 99% nỗ lực hoặc các phiên bản khác như 99% tài năng 1% nỗ lực thì đều không thể phủ nhận 1 sự thực rằng tài năng không phải là điều kiện tiên quyết để thành công. Tài năng chính là một lợi thế nhưng nếu không có nỗ lực hay điều kiện để phát triển tài năng đó thì thiên tài cũng sẽ không thể nào đi xa. Hiểu được điều này, tại Việt Nam đã có một tổ chức tạo nên một không gian riêng để ươm mầm cho các nhà sáng chế trẻ tài năng tương lai, góp phần xây dựng và phát triển đất nước.
Fablab Sài Gòn có trụ sở tại số 2 Phan Văn Đáng, TP Thủ Đức chính là một không gian ươm mầm hoàn hảo cho các bạn trẻ mong muốn được giáo dục, dạy dỗ nâng cao về khoa học công nghệ, trí tuệ nhân tạo cùng các lĩnh vực khác.
Chính vì uy tín của Fablab mà học sinh, sinh viên từ khắp mọi miền tổ quốc đã đăng ký đến đây học tập, trải nghiệm cảm giác sáng chế như các nhà sáng chế đích thực.
Không chỉ sinh viên Việt Nam mà nơi đây còn thu hút được giới trẻ từ các trường Đại học quốc tế xuyên khắp thế giới, điển hình như bạn Vũ Thiện Nam Anh hiện đang là sinh viên Cao đẳng Edmonds (Mỹ).
Nam Anh ở đây vừa là học sinh tiếp thu kiến thức vừa là đàn anh có trách nhiệm chỉ dạy cho các em học sinh, sinh viên đến sau, tạo nên một vòng tròn kết nối lặp lại.
Một trong những dự án mà Fablab Sài Gòn đã thực hiện là việc thiết kế sản phẩm mẫu turbine tạo điện năng từ hệ thống cánh quạt, lưu trữ điện bằng pin lithium.
Sáng chế này hướng đến người sử dụng là các tài xế container có thêm nguồn cấp điện phục vụ sinh hoạt ở trên xe.
Một dự án khác mà Fablab Sài Gòn cấp phép là nghiên cứu, thực hiện các dự án bởi máy in 3D. Các em học sinh, sinh viên cùng người hướng dẫn sẽ cùng nhau học cách sử dụng bo mạch Arduino, lập trình Java cho robot tự vẽ tranh, điều khiển bằng máy tính.
Một em học sinh cho biết rằng trong và sau khi thực hiện dự án này, trình độ sử dụng ngôn ngữ lập trình C++ của em đã thành thạo hơn nhiều, ngôn ngữ Java tuy còn hơi bỡ ngỡ nhưng cũng đã được cải thiện đáng kể, không còn là tay mơ như trước khi tiến đến Fablab nữa.
Từ tháng 3/2014, Fablab Sài Gòn đã thu hút được hơn 6.600 em học sinh, sinh viên, sinh viên mới ra trường với đủ mọi lứa tuổi, mọi trình độ học vấn, kinh nghiệm thực tế.
Mô hình này được thành lập dựa trên ý tưởng của giáo sư Neil Gershenfeld tại Viện Công nghệ Massachusetts (MIT). Mục đích của các phòng thí nghiệm cơ bản này chính là để cung cấp cơ sở vật chất, máy móc, chương trình đào tạo,… để các nhà sáng chế tạo ra sản phẩm thử nghiệm một cách dễ dàng và nhanh chóng trong không gian mở.
Không chỉ kĩ thuật, công nghệ cao mà Fablab Sài Gòn còn có chuyên gia hướng dẫn về các ngành nghề sáng tạo khác như thiết kế thời trang, kiến trúc, nghệ thuật,…
Được biết, Fablab Sài Gòn chỉ là 1 trong 2.000 phòng thí nghiệm Fablab trên toàn thế giới tại hơn 120 quốc gia. Riêng tại Việt Nam thì ngoài trung tâm tại Sài Gòn còn có 13 phòng thí nghiệm tương tự khác ở các thành phố lớn như Hà Nội, Bình Dương, Cần Thơ,…