Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới (WIPO) đã công bố kế hoạch xây dựng Hiệp ước pháp luật kiểu dáng công nghiệp.

Mục đích của hiệp ước là giúp các hệ thống pháp luật của các quốc gia khác nhau có các quy định liên quan đến việc bảo hộ kiểu dáng công nghiệp đồng bộ hơn. Các hiệp ước tương tự đã tồn tại liên quan đến Sáng chế (Hiệp ước Luật sáng chế năm 2000) và Nhãn hiệu (Hiệp ước Luật Nhãn hiệu năm 1994 và Hiệp ước Singapore về Luật Nhãn hiệu năm 2006).

Hiệp ước bắt đầu được đề xuất tại Ủy ban Thường trực của WIPO về Nhãn hiệu, Kiểu dáng Công nghiệp và Chỉ dẫn Địa lý (SCT) vào năm 2006 và đã có một loạt các dự thảo điều khoản và quy định. Các cuộc đàm phán về hiệp ước trên có thể sẽ tiếp diễn cho đến cuối năm 2024 và khi đó hiệp ước sẽ cần được chính phủ của các quốc gia ký kết chấp thuận.

Tầm quan trọng của kiểu dáng công nghiệp.

WIPO cho biết, mục tiêu của hiệp ước trên sẽ nhằm “tổ chức hiệu quả hơn hệ thống toàn cầu để bảo vệ các kiểu dáng, vốn là một phần không thể thiếu của nhiều thương hiệu, bằng cách loại bỏ quy định phức tạp và đẩy nhanh các thủ tục bảo vệ,” để các nhà thiết kế có thể “bảo vệ các kiểu dáng công nghiệp của họ một cách dễ dàng hơn, nhanh hơn, và rẻ hơn cả ở thị trường trong nước cũng như quốc tế.”

Hơn nữa, “những thay đổi này sẽ mang lại lợi ích không nhỏ cho cộng đồng các nhà thiết kế, đặc biệt ảnh hưởng đến các nhà thiết kế với quy mô nhỏ hơn và ít được hỗ trợ pháp lý để đăng ký kiểu dáng công nghiệp”.

Theo WIPO, ngành thiết kế đóng góp khoảng 18% việc làm và 13% GDP ở châu Âu. Với hoạt động thiết kế được thể hiện trong các đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp trong nước, điều này cho thấy tiềm năng không nhỏ của kiểu dáng công nghiệp ở nhiều nền kinh tế đang phát triển.