Mới đây, Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam đã phát động chiến dịch “Tháng hành động tuyên truyền về nhận diện và phòng chống lừa đảo trực tuyến”. Trong đó, nổi bật nhất là việc liệt kê 24 hình thức lừa đảo khác nhau đang hoành hành trên lãnh thổ Việt Nam nhằm nâng cao nhận thức của người dân về hành vi lừa đảo, qua đó tránh né hoặc có các biện pháp phòng ngừa, bảo vệ cần thiết trước hành vi lừa đảo.

Theo Cục An toàn thông tin, có 3 nhóm lừa đảo chính, gồm giả mạo thương hiệu, chiếm đoạt tài khoản và các hình thức kết hợp khác, với 24 hình thức lừa đảo đang diễn ra trên không gian mạng Việt Nam: 

1. Lừa đảo “combo du lịch giá rẻ”.

2. Lừa đảo cuộc gọi video Deepfake, Deepvoice.

3. Lừa đảo “khóa SIM” vì chưa chuẩn hóa thuê bao.

4. Giả mạo biên lai chuyển tiền thành công.

5. Giả danh giáo viên/nhân viên y tế báo người thân đang cấp cứu.

6. Chiêu trò lừa đảo tuyển người mẫu nhí.

7. Thủ đoạn giả danh các công ty tài chính, ngân hàng.

8. Cài cắm ứng dụng, link quảng cáo cờ bạc, cá độ, tín dụng đen,…

9. Giả mạo trang thông tin điện tử, cơ quan, doanh nghiệp (BHXH, ngân hàng…)

10. Lừa đảo SMS Brandname, phát tán tin nhắn giả mạo.

11. Lừa đảo đầu tư chứng khoán, tiền ảo, đa cấp.

12. Lừa đảo tuyển CTV online.

13. Đánh cắp tài khoản mạng xã hội, nhắn tin lừa đảo.

14. Giả danh cơ quan công an, viện kiểm sát, tòa án gọi điện lừa đảo.

15. Rao bán hàng giả hàng nhái trên sàn thương mại điện tử.

16. Đánh cắp thông tin CCCD đi vay nợ tín dụng.

17. Lừa đảo chuyển nhầm tiền vào tài khoản ngân hàng.

18. Lừa đảo dịch vụ lấy lại tiền khi đã bị lừa.

19. Lừa đảo lấy cắp Telegram OTP.

20. Lừa đảo tung tin giả về cuộc gọi mất tiền như FlashAI.

21. Lừa đảo dịch vụ lấy lại Facebook.

22. Lừa đảo tình cảm, dẫn dụ đầu tư tài chính, gửi bưu kiện, trúng thưởng.

23. Rải link phishing lừa đảo, seeding quảng cáo bẩn trên Facebook.

24. Lừa đảo cho số đánh đề.

Các hình thức lừa đảo trên chủ yếu nhằm vào nhóm đối tượng nhẹ dạ, cả tin, có một mong muốn, khát khao nào đó có thể lợi dụng, như thiếu thốn tình cảm và phổ biến nhất là thiếu thốn tiền bạc. Trớ trêu, khi bị lừa, họ không những không nhận được thêm tiền mà lại mất tiền.

Hình thức lừa đảo, giả mạo sản phẩm mang nhãn hiệu trên không gian mạng tại Việt Nam

Khi sử dụng các hình thức lừa đảo trên, một trong các công cụ hỗ trợ thông dụng nhất là sử dụng tên thương hiệu, nhãn hiệu nổi tiếng để tạo dựng sự tin tưởng của người dân.

Ví dụ, gần đây, một bên lừa đảo dùng tên của Viettel để quảng cáo dịch vụ hỗ trợ khách hàng đăng ký Sim Viettel dịch vụ tri ân khách hàng, tham gia bảo hiểm nhân thọ/hỗ trợ người thân một khoản tiền lớn khi đăng ký tham gia dịch vụ khám chữa bệnh,…

Việc sử dụng tên tuổi của các thương hiệu nổi tiếng, có thể kèm hình ảnh giả mạo nếu trao đổi thông tin qua các nền tảng như Zalo, Messenger, Whatsapp ngoài là hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản cũng là hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và qua đó, có thể bị xử phạt theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ 2022 và các văn bản liên quan.