Nhận thức được cảnh bèo tây, rác thải, cỏ trôi nổi trên sông xuyên suốt lãnh thổ Việt Nam, khiến dân ta phải chịu thiệt hại hàng chục, thậm chí hàng trăm tỷ đồng qua nhiều năm để giải quyết, mới đây, ông Trần Tuấn – Nguyên Giám đốc Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Thừa Thiên Huế đã sáng chế chiếc máy thu vớt bèo trên sông, hồ nhằm giúp đỡ xã hội và đất nước.

Tình trạng rác thải trôi nổi trên sông khiến người dân đau đầu

Chắc hẳn ai cũng đã từng thấy cảnh những chiếc bèo tây, rác, cỏ kết thành bè trôi nổi giữa sông, tạo nên một nét ‘đặc trưng’ của Việt Nam. Không chỉ ảnh hưởng đến cảnh quan, những chiếc bè đó còn nguy hại hơn bởi lẽ nó ảnh hưởng đến hệ sinh thái, khiến cho các loài sinh vật sống trong sông, hồ bị ô nhiễm môi trường sống, có nguy cơ tuyệt diệt.

Hiện nay, để giải quyết tình trạng này, người dân chỉ có thể tự tạo bè và đến giữa sông hồ để móc và đẩy những cái bè này đến bên bờ và giải quyết. Hoặc họ sẽ sử dụng các máy vớt bèo cồng kềnh hiện có trên thị trường vốn rất đắt tiền và hiệu quả không cao.

Theo ông Trần Tuấn, trong những năm qua các huyện thị trên cả nước đã tiêu tốn hàng trăm triệu đồng cho việc vớt bèo, thu gom rác thải, khơi thông dòng chảy trước mùa mưa lũ. Năm nào tỉnh Thừa Thiên Huế nói riêng và các địa phương khác cũng phải lên kế hoạch vớt bèo tây trong thời lũ.

Cùng với công tác hỗ trợ bà con phục hồi sau thiên tai, nay lại thêm công tác dọn dẹp bèo tây nhờ sử dụng những chiếc máy vớt bèo có giá đắt đỏ (khoảng 1,4 tỷ đồng), hiệu quả không cao và các chi phí khác thật sự đã tạo nên một gánh nặng không nhỏ cho đời sống xã hội của bà con bên bờ sông hồ.

Hệ thống máy liên hoàn biến bèo tây thành phân bón

Nhận thức được khó khăn của người dân, ông Trần Tuấn đã dành nhiều năm nghiên cứu và mới đây đã sáng chế ra hệ thống máy liên hoàn vớt rác và bèo tây được thiết kế với công nghệ có thể cuốn, hút, vận chuyển rác, bèo tây từ giữa dòng chảy lên bờ bằng bánh lồng kết hợp vít tải.

Chiếc máy này được thiết kế gồm 4 bộ phận là thân máy, trục vít tải, bộ phận truyền động và bộ phận vớt rác, bèo trên mặt nước. Thân máy được làm bằng thép tấm dày 2-3mm, dài 4-6m, đường kính từ 30-40cm, đầu tiếp xúc với mặt nước được chế tạo thành phễu chứa để gom bèo mà bánh lồng vớt vào phễu. Đầu ngược lại là cửa thoát ra của rác, bèo tây. Phần giữa thân máy kết cấu dạng lỗ hổng hoặc khe hở để thoát nước trong quá trình máy vận chuyển rác, bèo tây về cửa ra. 

Giải pháp hữu ích: Hệ thống máy liên hoàn biến bèo tây thành phân bón. Nguồn: Trần Tuấn

Để đưa bèo, rác về phía bánh lồng, xung quanh trục máy được gắn các lưỡi vớt bèo theo dạng xoắn ốc, đường kính của các lưỡi vớt bèo này có đường kính khoảng 20-30cm, cách nhau 20cm, có chiều thuận với chiều quay của bánh đà máy nổ động cơ diezel D15. 

Trong quá trình di chuyển, rác và bèo tây bị các lưỡi xoắn của trục vít tải cắt nhỏ đồng thời, nước cũng thoát ra tại các khe hở được thiết kế ở giữa thân. Đến lúc đó, tại cửa thoát nguyên liệu chỉ còn rác thải và bèo tây.

Ông Trần Tuấn cho biết: “Máy vận hành theo nguyên lý lồng quay và vít tải, là khác biệt lớn nhất. Theo đó, máy tự động vớt, cuốn hút và vận chuyển rác, bèo tây trong cùng một quá trình vận hành, đến đầu ra sản phẩm là bèo, rác đều đã bị cắt nhỏ, dễ thu gom. Trong khi đó, máy dễ gia công, rất cơ động và chi phí sản xuất máy rất thấp, bằng 1/20 – 1/30 giá trị của máy cùng công suất được sản xuất trong nước.”

Bèo tây thu được sẽ được xử lý thành nguồn nguyên liệu đầu vào cho sản xuất phân bón hữu cơ.

Phương pháp vớt rác thải và bèo tây trên mặt nước bằng sự kết hợp giữa bánh lồng và vít tải được Cục Sở hữu trí cấp Bằng độc quyền giải pháp hữu ích số 2-0002734 được công bố vào ngày 25/11/2021. 

(Theo bài viết hợp tác giữa Cục Sở hữu trí tuệ và Báo Khoa học và Phát triển)