Liên minh châu Âu (EU) đã khiếu nại Trung Quốc lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) với cáo buộc nước này đã ngăn chặn các công ty công nghệ của EU sử dụng các tòa án ở nước ngoài để bảo vệ các bằng sáng chế của họ. Động thái này sẽ mở ra một “chương” mới trong căng thẳng thương mại giữa hai bên.

Chia sẻ về vấn đề trên, Phó Chủ tịch điều hành Uỷ ban châu Âu (EC) Valdis Dombrovskis cho rằng: “Các công ty của EU có quyền tìm kiếm công lý một cách công bằng khi công nghệ của họ bị sử dụng một cách phi pháp. Đó là lý do vì sao hôm nay chúng tôi đã khởi động quá trình tham vấn tại WTO”.

Mối quan hệ giữa EU và Trung Quốc ngày càng căng thẳng và diễn biến mới nhất nói trên diễn ra chỉ vài tuần sau khi EU đã khởi động một vụ kiện khác tại WTO với cáo buộc rằng Trung Quốc đang trừng phạt một cách trái pháp luật quốc gia thành viên của EU là Lithuania. Điều này cho thấy những căng thẳng thương mại giữa liên minh này và Trung Quốc ngày một leo thang, trong bối cảnh mối quan hệ song phương vốn “thuận buồm xuôi gió.”

EU khiếu nại WTO khúc mắc với Trung Quốc về bằng sáng chế công nghệ.

EU khiếu nại Trung Quốc lên WTO về vấn đề bằng sáng chế công nghệ

Được biết, hoạt động sản xuất các sản phẩm công nghệ cao như điện thoại hay ôtô điện… đòi hỏi số lượng lớn các công nghệ được cấp bằng sáng chế. Tuy nhiên, từ nhiều năm nay, các công ty Trung Quốc thường bị cáo buộc vi phạm các điều khoản về bằng sáng chế, hoặc áp đặt các hạn chế đối với các công ty cạnh tranh một cách bất công.

Báo cáo của WIPO cũng cho thấy số đăng ký bằng sáng chế của châu Á trong năm 2021 chiếm 54,1% tổng lượng đơn trên toàn thế giới, tăng từ mức 38,5% của một thập kỷ trước đó. Trong đó Trung Quốc giữ vị trí đầu bảng với 69.540 hồ sơ. Mỹ vẫn ở vị trí thứ hai trong năm ngoái, với 59.570 hồ sơ, tiếp theo là Nhật Bản (50.260), Hàn Quốc (20.678) và Đức (17.322).

EU cho biết kể từ năm 2020, các tòa án tại Trung Quốc đã đe dọa phạt nặng và đưa ra nhiều phán quyết khác đối với các công ty đi khiếu nại lên các tòa án khác trên toàn thế giới. EU cho rằng các hành động pháp lý này tạo điều kiện cho các nhà sản xuất Trung Quốc “có thể tiếp cận công nghệ của châu Âu với chi phí thấp, hoặc thậm chí là miễn phí”.

Đơn khiếu nại của EU lên WTO chỉ rõ các công ty bị ảnh hưởng bởi chiến lược này của Trung Quốc bao gồm Conversant, Ericsson, InterDigital và Sharp. Liên quan đến bằng sáng chế quốc tế, theo báo cáo thường niên của WIPO, có 277.500 đơn đăng ký bằng sáng chế được nộp trong năm 2021, tăng 0,9% so với một năm trước đó và đánh dấu năm tăng thứ 12 liên tiếp. Điều này cho thấy nỗ lực đổi mới, sáng tạo không bị cản trở do đại dịch COVID-19.

Tổng Giám đốc WIPO, ông Daren Tang, nhận định những con số này cho thấy sự đổi mới và tinh thần khởi nghiệp vẫn được thúc đẩy mạnh mẽ bất chấp những gián đoạn do đại dịch COVID-19 gây ra. Diễn biến này hoàn toàn trái ngược với giai đoạn thế giới rơi vào cuộc khủng hoảng tài chính năm 2009, khi số đơn đăng ký bằng sáng chế giảm mạnh.

Các cuộc “tham vấn” do EU mở ra là bước đầu tiên trong quá trình tranh tụng tại WTO. Nếu các cuộc tham vấn này thất bại trong vòng 60 ngày, EU có thể yêu cầu thành lập một ban hội thẩm để phán quyết về vấn đề này.