Trong thời kỳ Pháp thuộc, bắt đầu từ năm 1867 và kéo dài khoảng 80 năm, Việt Nam đã chịu ảnh hưởng lớn từ Pháp trong lĩnh vực giáo dục và y tế. Tuy nhiên, thời kỳ này lại được lịch sử đánh dấu với các phong trào yêu nước và các cuộc cách mạng chống lại chế độ thực dân. Bất chấp sự phẫn nộ lan rộng đối với chủ nghĩa thực dân, vẫn có nhiều người Việt dành lòng yêu mến cho những người Pháp đáng kính với đóng góp nổi bật cho Việt Nam. Trong số những cá nhân này, một trong những nhân vật được kính trọng nhất là Alexandre Yersin (1863-1943), nhà khoa học nổi tiếng thế giới đã để lại những dấu ấn không thể phai mờ tại Việt Nam.
Sinh ngày 22 tháng 9 năm 1863 tại Lavaux, Thụy Sĩ, Alexandre Yersin có mẹ là người pháp và cha là người Thụy Sĩ. Ngay từ nhỏ, Yersin đã có niềm đam mê với thiên nhiên và dành cả tuổi thơ để sưu tầm các loài côn trùng. Sau khi tốt nghiệp trung học, ông theo học ngành y tại Đại học Marburg, Đức và sau đó trở thành nhà nghiên cứu y khoa tại trường École Normale Supérieure ở Paris. Vào năm 1888, ông nhập quốc tịch Pháp và gia nhập Viện Pasteur để làm việc cùng với nhà vi trùng học nổi tiếng Robert Koch.
Hành trình Đông Dương
Với ước mơ trở thành nhà truyền giáo y tế, Yersin lên đường tới Đông Dương ở tuổi 26. Trong khoảng chuyến đi này, ông đảm nhiệm chức vụ bác sĩ trên con tàu Volga, nơi ông học được những kỹ năng cần thiết cho những chuyến thám hiểm sau này trong khu vực Đông Nam Á. Đặt chân đến Việt Nam vào năm 1891, Yersin thực hiện nhiều chuyến thám hiểm trước khi định cư ở Xóm Cồn, Nha Trang. Tại đây, ông đã kết bạn với nhiều người dân địa phương, học tiếng Việt và dần trở thành “ông Năm” được người dân yêu mến.
Khám phá Đà Lạt
Với niềm đam mê phiêu lưu và khám phá, Yersin đã thực hiện nhiều chuyến thám hiểm khắp Việt Nam. Năm 1893, khi đi xuyên Tây Nguyên, ông đã phát hiện ra cao nguyên Lang Biang. Bị mê hoặc bởi những cánh rừng thông, thác nước và hồ nước phủ sương mù, ông đã đề xuất với chính quyền Pháp phát triển khu vực này thành một khu nghỉ dưỡng, nơi sau này trở thành thành phố du lịch Đà Lạt nổi tiếng. Lycée Yersin – Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt, và Đại học Yersin đều được xây dựng tại Đà Lạt, nhằm tôn vinh những đóng góp của ông cho trong lĩnh vực giáo dục nói riêng và cho cả thành phố nói chung.
Thành tựu y tế
Năm 1894, Yersin được chính phủ Pháp cử đến Hồng Kông để tìm cách ngăn chặn căn bệnh dịch hạch đang lan rộng. Bất chấp những khó khăn về điều kiện, ông đã xác định được mầm bệnh chính (sau này được đặt tên là trực khuẩn Yersinia Pestis). Sau phát hiện mang tính đột phá này, Yersin trở lại Nha Trang và thành lập phòng thí nghiệm y tế, nay là Viện Pasteur Nha Trang. Ông còn mua đất để trồng cây nghiên cứu y học và sản xuất thuốc để giúp đỡ người dân địa phương.
Cuộc đời phi phường
Những cống hiến của Yersin còn mở rộng sang cả lĩnh vực nông nghiệp. Ông là người đầu tiên nhập và trồng cây cao su tại Việt Nam để hỗ trợ tài chính cho các hoạt động trong phòng thí nghiệm của mình. Sau đó, ông đã thử nghiệm trồng cây Canh ki na (cinchona) để sản xuất thuốc điều trị bệnh sốt rét. Ông cũng đã hợp tác với các nhà nghiên cứu y khoa trên khắp Việt Nam để thành lập trường École de Médecine de Hà Nội, trường y khoa đầu tiên của Việt Nam, nay là Đại học Y Hà Nội.
Với tấm lòng nhân ái của mình, Yersin luôn được nhiều người Việt yêu mến và ngưỡng mộ. Trong căn nhà tại Xóm Cồn, ông đã chữa bệnh miễn phí cho người dân nghèo, chiếu phim cho các em nhỏ và còn mua máy điện lượng kế để dự báo giông bão cho ngư dân trong xóm. Từ đó, ông được người dân địa phương gọi với cái tên trìu mến – Ông Năm. Yersin sống một cuộc đời khiêm nhường nhưng phi thường, cống hiến hết mình cho sự phát triển của cộng đồng, cho đến khi ông qua đời vào ngày 1 tháng 3 năm 1943. Theo di chúc, ông muốn tặng hết tài sản cho Viện Pasteur Nha Trang, và được chôn cất ở Suối Dầu với một đám tang nhỏ. Mặc dù vậy vẫn có hàng ngàn người đến lễ tang của ông ở Nha Trang, để tiễn đưa ông về nơi an nghỉ cuối cùng.
Danh tiếng của Alexandre Yersin vẫn sẽ sống mãi trên những con đường mang tên ông tại Sài Gòn, Hà Nội, Nha Trang và Đà Lạt. Một phần của Viện Pasteur Nha Trang hiện đã trở thành Bảo tàng Yersin, và ông cũng đã được tuyên bố là công dân danh dự của Việt Nam vào năm 2014, nhân dịp kỷ niệm lần thứ 151 ngày sinh của ông. Dù là người Pháp, nhưng với những nỗ lực không ngừng nghỉ và lòng nhân ái, Yersin đã trở thành một trong những nhân vật được ngưỡng mộ tại Việt Nam. Di sản của ông vẫn sẽ tiếp tục truyền cảm hứng cho các y, bác sĩ và những hoạt động thiện nguyện cao cả trong tương lai.