Bất chấp 1 năm đấu tranh khắc nghiệt với đại dịch Covid-19 hoành hành tại Việt Nam, đất nước ta vẫn có nhiều khởi sắc đáng ghi nhận về sở hữu trí tuệ dù rằng ngành luật SHTT cũng là một trong những lĩnh vực chịu ảnh hưởng tương đối nghiêm trọng từ đại dịch. Tất cả những thành tựu nổi bật trong năm 2021 đã được ghi nhận và tổng hợp lại trong Hội nghị tổng kết công tác năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022 tổ chức bởi Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam trong ngày 27/12/2021 tại Hà Nội.

Các đại biểu tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022

Hội nghị tổng kết công tác năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022 lần này đã vinh dự có được sự tham gia của đại biểu các bên như:

  • Đồng chí Phạm Công Tạc – Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN);
  • Đồng chí Nguyễn Như Quỳnh – Phó Chánh Thanh tra Bộ KH&CN – Phụ trách Thanh tra Bộ; 
  • Đồng chí Đinh Hữu Phí – Bí thư Đảng ủy, Cục trưởng Cục SHTT;

Ngoài ra còn có Đại diện Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ Kế hoạch – Tài chính, Vụ Pháp chế, Vụ Thi đua – Khen thưởng, Văn phòng Đảng – Đoàn thể và các cơ quan báo chí thuộc Bộ, Phó Cục trưởng Cục SHTT, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Cục, đại diện các tổ chức chính trị – xã hội,….

Do tình hình dịch Covid-19 khiến cho việc di chuyển đi lại chịu hạn chế, hội nghị đã tổ chức đầy đủ sự kết nối, đường truyền công nghệ để các thành viên không thể đến dự hội nghị trực tiếp có thể theo dõi qua mạng Internet.

Qua đó, toàn thể lãnh đạo, công chức, viên chức và người lao động của các đơn vị thuộc Cục đã tham dự Hội nghị dưới hình thức trực tuyến.

Tăng trưởng bất chấp đại dịch

Dẫu rằng chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch khiến cho Cục SHTT Việt Nam đôi khi phải ra thông báo ngừng tiếp nhận và xử lí đơn, hay kéo dài thời hạn nộp đơn,…, trong năm 2021, Cục SHTT vẫn nỗ lực thúc đẩy sự tiến bộ của SHTT trên toàn nước và đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật.

Điển hình như, trong năm 2021, Cục đã xử lý được 73.441 đơn đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp (SHCN) – tăng 5,4% so với năm 2020. Trong đó, kết quả xử lý đơn nhãn hiệu quốc gia tăng 8,2%, đơn khiếu nại về SHCN tăng gần 50% và các loại đơn/yêu cầu liên quan đến văn bằng bảo hộ tăng trên 30%.

Không chỉ được thể hiện qua các thành tựu ‘thực chất’ này, sự tiến bộ về SHTT của Việt Nam cũng được thể hiện qua việc đạt đúng tiến độ các công tác, mục tiêu đặt ra trong việc truyền bá tầm ảnh hưởng của SHTT hay thời hạn sửa đổi, bổ sung các điều khoản trong Luật SHTT hiện hành,…

Việc triển khai Chiến lược SHTT quốc gia và Chương trình phát triển tài sản trí tuệ đã giúp nâng cao vai trò, vị thế của hoạt động SHTT ở các Bộ, ngành và địa phương và qua đó, nâng cao nhận thức của người dân về tầm quan trọng của IP – Intellectual Property trong đời sống hàng ngày.

Ngoài ra, Công tác hội nhập và hợp tác quốc tế về SHTT cũng được triển khai một cách chủ động và tích cực và khiến cho nước ta có thể tiếp tục duy trì và đẩy mạnh các hoạt động hợp tác quốc tế trong khuôn khổ ASEAN, APEC, WTO, WIPO và các đối tác song phương, đáp ứng được các yêu cầu hội nhập mở rộng và phát triển.

Các thành tựu đáng chú ý có thể kể đến như việc:

  • Hoàn thành thủ tục gia nhập Hiệp ước Budapest về công nhận quốc tế đối với việc nộp lưu chủng vi sinh trong đăng ký sáng chế;
  • Xây dựng và triển khai hàng loạt các hoạt động đào tạo tập huấn về SHTT theo hình thức trực tuyến;
  • Hoàn thiện các Thông tư quản lý và hướng dẫn tài chính cho Chương trình phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030;
  • Đăng ký thành công chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản cho sản phẩm thanh long Bình Thuận (tỉnh Bình Thuận) và vải thiều Lục Ngạn (tỉnh Bắc Giang);
  • Hoàn thành Dự án “Thiết kế biểu trưng Chỉ dẫn địa lý quốc gia”;

Các kết quả nêu trên chỉ là một phần nhỏ những thành tựu đáng kinh ngạc mà Cục SHTT Việt Nam đạt được, bất chấp ảnh hưởng nặng nề tăng dần của đại dịch Covid-19 tại Việt Nam và trên toàn thế giới.

Điều này đã chứng tỏ được rằng SHTT đang dần đạt đến mục tiêu trở thành một trong những công cụ quan trọng để phát triển kinh tế – xã hội của các địa phương và quốc gia.

Bất cập tồn đọng

Dẫu rằng đã đạt được nhiều thành tựu đáng tự hào, tuy nhiên ta không thể vì vậy mà lơ là cảnh giác. Tương tự như công tác phòng chống dịch Covid-19 tại Việt Nam, việc đạt được thành công, thành tích nổi bật chỉ là một phần nhỏ của chặng đường. Điều quan trọng hơn cả là ta phải duy trì được thành công đó, tiếp tục phát dương quang đại SHTT trên toàn lãnh thổ Việt Nam và trong lòng toàn bộ người dân Việt Nam.

Theo ông Phan Ngân Sơn, hiện tại, hoạt động của Cục SHTT vẫn còn khá nhiều khó khăn, đặc biệt là trong bối cảnh Covid-19.

Các lệnh hạn chế di chuyển kéo dài nhiều tháng đã khiến khối lượng công việc của Cục tồn đọng nhiều. Không chỉ các vấn đề về xử lý đơn mà cả những công việc đột xuất và cần xử lý tức thì cũng chịu nhiều ảnh hưởng khi không còn đủ nhân lực và nguồn lực để mà giải quyết.

Cục Sở hữu trí tuệ tổng kết công tác năm 2021

Thêm vào đó, nguồn kinh phí cho Cục hoạt động lại ngày càng bị thu hẹp cũng là vấn đề nhức nhối hơn cả, dẫn đến tình trạng tồn đọng đơn đăng ký, hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin, điều kiện cơ sở vật chất, kỹ thuật chưa đáp ứng yêu cầu công việc,…

Để giải quyết những bất cập trên, Phó Cục trưởng Phan Ngân Sơn cho biết, trong năm 2022, Cục SHTT sẽ:

  • Tiếp tục hoàn thiện, trình Bộ trưởng Bộ KH&CN Đề án Kiện toàn cơ cấu tổ chức và nhân lực của Cục giai đoạn 2021-2026 và tổ chức triển khai Đề án sau khi được phê duyệt;
  • Tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật SHTT để trình Quốc hội thông qua vào tháng 6/2022 và triển khai xây dựng các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật;
  • Tiếp tục hỗ trợ các Bộ, ngành, địa phương triển khai có hiệu quả Chiến lược SHTT đến năm 2030. Triển khai các Kế hoạch xử lý đơn sáng chế, nhãn hiệu và khiếu nại;
  • Ban hành các Quy chế tiếp nhận, xử lý đơn SHCN;
  • Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực SHCN;
  • Xây dựng và đưa vào hoạt động Bộ phận kiểm soát chất lượng thẩm định đơn SHCN;
  • Chủ động tham gia đàm phán và bảo đảm thi hành có hiệu quả nội dung SHTT trong các Hiệp định thương mại quốc tế;
  • Đẩy mạnh hoạt động hợp tác quốc tế để tranh thủ các nguồn lực quốc tế nhằm nâng cao năng lực của Hệ thống SHTT;
  • Phát triển mạng lưới các trung tâm sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ trong các viện nghiên cứu, trường đại học;
  • Tăng cường hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp trong việc bảo hộ quyền SHTT ở nước ngoài;

Sau khi nghe ý kiến của đại biểu các bên tham dự hội nghị, Thứ trưởng Phạm Công Tạc đã phát biểu chúc mừng Cục SHTT đã hoàn thành khối lượng công việc rất lớn, đạt được nhiều thành tựu nổi bật trong năm 2021 bất chấp ảnh hưởng phức tạp của dịch bệnh Covid-19.

Thứ trưởng cho biết, SHTT ngày càng có vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế – xã hội và thương mại quốc tế. Qua đó, thứ trưởng yêu cầu Cục cần phải nghiên cứu, có cách tiếp cận mới, sáng tạo hơn để nâng cao vai trò của SHTT đối với khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, khiến cho SHTT thực sự là công cụ hữu hiệu phát triển kinh tế – xã hội và nâng cao đời sống của người dân.

(Theo Cục Sở hữu trí tuệ)