Sáng 29/12/2021,UBND tỉnh Bình Thuận phối hợp Cục Sở hữu trí tuệ thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội nghị trực tuyến công bố cấp Bằng bảo hộ Chỉ dẫn địa lý “thanh long Bình Thuận” tại Nhật Bản.

Phải mất hơn 3 năm kể từ thời điểm nộp hồ sơ lần đầu tiên cho đến khi chỉ dẫn địa lý “Thanh long Bình Thuận” được chính thức bảo hộ tại Nhật Bản với số văn bằng 110. Đây là sản phẩm nước ngoài thứ 3 và là sản phẩm thứ 2 của Việt Nam được Nhật Bản đồng ý bảo hộ chỉ dẫn địa lý.

Việc cấp Bằng bảo hộ Chỉ dẫn địa lý “thanh long Bình Thuận” tại Nhật Bản tạo ra nhiều cơ hội cũng như thách thức

Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ – Đinh Hữu Phí nêu rõ: Việc cấp văn bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản có ý nghĩa rất quan trọng đối với quả thanh long Bình Thuận. Điều này sẽ mở ra nhiều cơ hội để sản phẩm này tiếp cận thị trường Nhật Bản cũng như những thị trường lớn khác, nhất là tại các thị trường khó tính như châu Âu, Hàn Quốc, New Zealand…

Đây là kết quả từ những nỗ lực không ngừng của chính quyền và nhân dân địa phương, nhất là khi dự án đã phải trải qua 04 lần gia hạn, gặp rất nhiều khó khăn, thách thức. Với thành công từ quả thanh long, UBND tỉnh cần chỉ đạo các sở, ban, ngành khẩn trương triển khai đăng ký bảo hộ các sản phẩm chủ lực, mang tính đặc thù của tỉnh tại các thị trường nước ngoài.

Bên cạnh đó, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ – Đinh Hữu Phí cũng nhấn mạnh về các thách thức đối với tỉnh Bình Thuận trong thời gian tới, khi các hoạt động quản lý chỉ dẫn địa lý “Thanh long Bình Thuận” sau bảo hộ. Địa phương phải có những giải pháp để bảo vệ, phát triển, duy trì danh tiếng, uy tín quả thanh long Bình Thuận đối với thị trường Nhật Bản nói riêng và thị trường các nước khác nói chung. Hiệp hội Thanh long Bình Thuận cần có sự hỗ trợ, giúp sức từ các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong tỉnh, đặc biệt là sự chỉ đạo từ UBND tỉnh. Địa phương cũng cần tăng cường tuyên truyền, xây dựng chuỗi sản xuất hiện đại để phát triển, nâng tầm thương hiệu “Thanh long Bình Thuận”.

Tem, nhãn hiệu gắn với chỉ dẫn địa lý Bình Thuận và tem chỉ dẫn địa lý do phía Nhật Bản cấp trên quả thanh long Bình Thuận (Ảnh: binhthuan.gov.vn)

Tại buổi lễ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh – Nguyễn Minh nhấn mạnh: “Để đẩy mạnh hoạt động sản xuất, tiêu thụ và xuất khẩu thanh long, trong thời gian tới, tỉnh Bình Thuận sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá chỉ dẫn địa lý Bình Thuận để nâng cao uy tín, giá trị cho thương hiệu Thanh long Bình Thuận”. Để đáp ứng yêu cầu đặt ra, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các Sở, ngành và đơn vị liên quan phối hợp triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ được phân công cụ thể tại Quy chế quản lý và sử dụng chỉ dẫn địa lý Bình Thuận dùng cho quả thanh long đã được ban hành theo Quyết định số 76/2015/QĐ-UBND ngày 25/12/2015.

Tính đến cuối năm 2021, toàn tỉnh Bình Thuận có hơn 33 nghìn ha thanh long với sản lượng thu hoạch hơn 690.000 tấn. ­­Hiện tại có 5 địa phương đủ năng lực cung cấp quả thanh long đạt các tiêu chuẩn kỹ thuật về hàng hóa nông nghiệp xuất khẩu và cũng là năm nơi dự kiến cung cấp thanh long sang Nhật Bản: huyện Hàm Tân, Hàm Thuận Nam, Hàm Thuận Bắc, huyện Bắc Bình và thành phố Phan Thiết.