Mặc dù vẫn còn là dự thảo và đang được thu thập ý kiến của các cơ quan liên quan để hoàn thiện, nhưng cơ chế gỡ bỏ nội dung vi phạm bản quyền trên internet là một trong những quy định cực kỳ quan trọng và có tầm ảnh hưởng đến nhiều ngành, lĩnh vực khác nhau…

Dự thảo cơ chế mới ngăn chặn nội dung vi phạm bản quyền trên internet.

Ngành xuất bản chắc chắn đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi hành vi in lậu và số lượng lớn sách giả được bày bán trên internet, điều này đã khiến nhiều cửa hàng buôn bán sách phải đóng cửa. Bên cạnh đó, số lượng đầu sách mới được mua bản quyền, in ấn và được xuất bản đã và đang ngày càng giảm mạnh, do các nhà xuất bản khi in bản thảo mới phải chịu nhiều bất lợi và có nguy cơ bị xâm phạm bản quyền sách rất lớn. Với những lý do trên, dự thảo Nghị định về cơ chế gỡ bỏ nội dung vi phạm quyền tác giả, quyền liên quan chắc chắn đóng vai trò quyết định với sự phát triển của ngành xuất bản trong tương lai.

Ông Hoàng Văn Bình, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) chia sẻ kỳ vọng của mình rằng dự thảo Nghị định mới với các quy định chặt chẽ và có sự phối hợp của các nhà cung cấp dịch vụ internet sẽ ngăn chặn hiệu quả hành vi vi phạm bản quyền trên internet.

Ở Việt Nam, hiện nay số lượng các trang web và các nền tảng mạng xã hội âm nhạc đã không còn nhiều vì nhiều trang mạng có hành vi vi phạm bản quyền đã bị xử lý khi có các thủ tục tố tụng lên tòa án. Theo đó nhiều trang web và nền tảng mạng xã hội đã thực thi các vấn đề liên quan đên quyền tác giả một cách nghiệm túc và hiệu quả hơn.

Bên cạnh đó, các trang web quốc tế phổ biến đều thể hiện sự nhiệt tình khi phối hợp với Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) để ngăn chặn những hành vi vi phạm bản quyền trên các nền tảng của họ. Cụ thể, phía YouTube đã cung cấp cho trung tâm bảo vệ quyền tác giả 1 phần mềm quản lý nội dung trên không gian mạng. Theo đó, khi phát hiện nội dung vi phạm VCPMC có thể trực tiếp thực hiện việc gỡ bỏ nội dung đó. Mỗi năm VCPMC đã thực hiện việc gỡ bỏ hàng chục nghìn nội dung vi phạm trên internet.

Những vấn đề cần cân nhắc liên quan đến cơ chế gỡ bỏ các nội dung vi phạm bản quyền

Bên cạnh những hiệu quả đầy hứa hẹn, cơ chế gỡ bỏ các nội dung vi phạm bản quyền mới cũng có những vấn đề cần phải cân nhắc để tránh việc lạm dụng các chính sách hay yêu cầu gỡ bỏ trái pháp luật.

Đầu tiên, các nền tảng trung gian đóng vai trò rất quan trọng trong việc xử lý các khiếu nại liên quan đến hành vi vi phạm bản quyền. Theo đó, khi các nền tảng trung gian được quyền gỡ bỏ nội dung vi phạm, cần người có thẩm quyền để thẩm định các hồ sơ chứng minh quyền SHTT, với mục đích tránh trường hợp xử lý oan sai, hoặc việc lợi dụng các quy định pháp luật để triệt hạ đối thủ.

Bên cạnh đó, Nghị định cũng cần làm rõ Trường hợp khi các bên có tranh chấp đang trong quá trình giải quyết tại Tòa án nhưng chưa có phán quyết cuối cùng thì nền tảng có được gỡ bỏ/chặn truy cập các nội dung bị khiếu nại vi phạm bản quyền hay không?

Một vấn đề khác cũng cần cân nhắc kỹ chính là chế tài xử lý khi các nền tảng xuyên biên giới chưa có văn phòng hay chi nhánh ở VN không tuân thủ các yêu cầu của cơ quan nhà nước Việt Nam hay các phán quyết của tòa án Việt Nam. Theo đó, các nền tảng xuyên biên giới có phải công nhận hiệu lực của các sản phẩm, nội dung số được cấp giấy chứng nhận quyền tác giả tại Việt Nam hay không?