Trong kỷ nguyên công nghệ hiện nay, mạch tích hợp (IC) đóng vai trò vô cùng quan trọng trong mọi lĩnh vực từ viễn thông, máy tính, đến các thiết bị y tế và tiêu dùng. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu rõ về quy trình thiết kế và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ đối với các sản phẩm mạch tích hợp.

Bài viết này sẽ cung cấp những kiến thức cơ bản về thiết kế bố trí mạch tích hợp trong bối cảnh sở hữu trí tuệ, giúp bạn hiểu rõ hơn về cách thức bảo vệ quyền lợi của mình trong một ngành công nghiệp đầy cạnh tranh và đổi mới không ngừng. Từ đó, chúng ta sẽ khám phá những nguyên tắc cơ bản, các quy định pháp lý liên quan, cũng như các chiến lược hiệu quả để bảo vệ và khai thác giá trị của mạch tích hợp mà bạn tạo ra.

Khái niệm về thiết kế bố trí mạch tích dẫn

Thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn là cấu trúc không gian của các phần tử mạch và mối liên kết các phần tử đó trong mạch tích hợp bán dẫn.

Quyền sở hữu công nghiệp đối với thiết kế bố trí được xác lập trên cơ sở quyết định cấp văn bằng bảo hộ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo thủ tục đăng ký quy định tại Luật Sở hữu trí tuệ hoặc công nhận đăng ký quốc tế theo quy định của điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Điều kiện chung đối với thiết kế bố trí được bảo hộ

Thiết kế bố trí được bảo hộ nếu đáp ứng các điều kiện sau đây:

a) Có tính nguyên gốc;

b) Có tính mới thương mại.

Tính nguyên gốc của thiết kế bố trí

a) Thiết kế bố trí được coi là có tính nguyên gốc nếu đáp ứng các điều kiện sau đây:

– Là kết quả lao động sáng tạo của chính tác giả;

– Chưa được những người sáng tạo thiết kế bố trí và những nhà sản xuất mạch tích hợp bán dẫn biết đến một cách rộng rãi tại thời điểm tạo ra thiết kế bố trí đó.

b) Thiết kế bố trí là sự kết hợp các phần tử, các mối liên kết thông thường chỉ được coi là có tính nguyên gốc nếu toàn bộ sự kết hợp đó có tính nguyên gốc theo quy định tại khoản a) phần này.

Tính mới thương mại của thiết kế bố trí

a) Thiết kế bố trí được coi là có tính mới thương mại nếu chưa được khai thác thương mại tại bất kỳ nơi nào trên thế giới trước ngày nộp đơn đăng ký.

b) Thiết kế bố trí không bị coi là mất tính mới thương mại nếu đơn đăng ký thiết kế bố trí được nộp trong thời hạn hai năm kể từ ngày thiết kế bố trí đó đã được người có quyền đăng ký hoặc người được người đó cho phép khai thác nhằm mục đích thương mại lần đầu tiên tại bất kỳ nơi nào trên thế giới.

c) Khai thác thiết kế bố trí nhằm mục đích thương mại quy định tại khoản b phần này là hành vi phân phối công khai nhằm mục đích thương mại đối với mạch tích hợp bán dẫn được sản xuất theo thiết kế bố trí hoặc hàng hoá chứa mạch tích hợp bán dẫn đó.

Quyền đăng ký thiết kế bố trí

a) Tổ chức, cá nhân sau đây có quyền đăng ký thiết kế bố trí:

– Tác giả tạo ra thiết kế bố trí bằng công sức và chi phí của mình;

– Tổ chức, cá nhân đầu tư kinh phí, phương tiện vật chất cho tác giả dưới hình thức giao việc, thuê việc, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác.

b) Trường hợp nhiều tổ chức, cá nhân cùng nhau tạo ra hoặc đầu tư để tạo ra thiết kế bố trí thì các tổ chức, cá nhân đó đều có quyền đăng ký và quyền đăng ký đó chỉ được thực hiện nếu được tất cả các tổ chức, cá nhân đó đồng ý.

c) Người có quyền đăng ký thiết kế bố trí có quyền chuyển giao quyền đăng ký cho tổ chức, cá nhân khác dưới hình thức hợp đồng bằng văn bản, để thừa kế hoặc kế thừa theo quy định của pháp luật, kể cả trường hợp đã nộp đơn đăng ký.

(Theo thông tin từ Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam)