Chứng khoán hóa quyền sở hữu trí tuệ là một xu hướng đang ngày càng trở nên phổ biến trong thế giới tài chính và doanh nghiệp. Nó đánh dấu sự kết hợp giữa lĩnh vực tài chính và sở hữu công nghiệp, đồng thời mở ra một loạt các cơ hội và thách thức mới. Dưới đây là một số khái niệm cơ bản về phương thức chứng khoán hóa quyền sở hữu trí tuệ hiện hành đang được áp dụng tại Việt Nam và trên thế giới.

Asset-Backed Security

Asset-Backed Security (ABS) là một loại công cụ tài chính có giá trị được phát hành bởi các tập đoàn tài chính hoặc các tổ chức tài chính để huy động vốn từ các tài sản thế chấp. ABS được tạo ra bằng cách gom nhóm và đóng gói các tài sản thế chấp, chẳng hạn như các khoản vay thế chấp, khoản vay ô tô, khoản vay học phí hoặc các loại tài sản thế chấp khác, thành một sản phẩm tài chính và sau đó phát hành nó trên thị trường để bán cho các nhà đầu tư.

Nhà đầu tư đánh giá khả năng phát triển của tài sản này và qua đó, đưa ra quyết định đầu tư vào loại tài sản đó. Một điểm quan trọng của ABS là việc trích lập các tài sản thế chấp khỏi tài sản của người phát hành, điều này giúp giảm rủi ro tài chính của họ và tạo điều kiện thu hút các nhà đầu tư. ABS có thể được cấu trúc với các mức độ rủi ro khác nhau và các cấu trúc trả lãi khác nhau, tùy thuộc vào tính chất của các tài sản thế chấp và nhu cầu của thị trường tài chính.

Trong các thị trường tài chính, ABS đã trở thành một phần quan trọng của việc quản lý rủi ro và huy động vốn. Các loại ABS phổ biến bao gồm Mortgage-Backed Securities (MBS), được hình thành từ các khoản vay thế chấp, và Auto-Backed Securities, được hình thành từ các khoản vay ô tô. ABS cung cấp một biện pháp để phân phối rủi ro tài sản và tạo điều kiện thuận lợi cho việc cho vay và đầu tư trong các tài sản thế chấp.

IP-backed securitization

IP-backed securitization là một loại giao dịch tài chính mà quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng về sở hữu trí tuệ được sử dụng như tài sản thế chấp để phát hành chứng khoán. IP-backed securitization thường liên quan đến việc tạo ra các tài sản thế chấp dựa trên quyền sở hữu hoặc thu nhập từ tài sản trí tuệ, chẳng hạn như bản quyền, nhãn hiệu, hoặc bằng sáng chế, và sau đó gom nhóm chúng vào một sản phẩm tài chính để bán cho các nhà đầu tư.

Các ví dụ về IP-backed securitization có thể bao gồm:

  1. Bản quyền âm nhạc: Một công ty âm nhạc có thể sử dụng bản quyền của các ca khúc nổi tiếng để tạo ra tài sản thế chấp và phát hành chứng khoán dựa trên thu nhập từ việc cấp phép sử dụng các bản nhạc này cho các mục đích thương mại.
  2. Nhãn hiệu sản phẩm: Một công ty có thể sử dụng nhãn hiệu của mình để tạo ra tài sản thế chấp và phát hành chứng khoán dựa trên thu nhập từ việc bán các sản phẩm hoặc dịch vụ gắn nhãn hiệu đó.
  3. Bằng sáng chế: Các doanh nghiệp có thể sử dụng các bằng sáng chế mà họ sở hữu để tạo ra tài sản thế chấp và phát hành chứng khoán dựa trên các khoản thu từ việc cấp phép sử dụng bằng sáng chế này cho các công ty khác.

IP-backed securitization có thể cung cấp một cách để tạo ra nguồn vốn dưới dạng tiền mặt trực tiếp từ các tài sản trí tuệ mà một tổ chức sở hữu, giúp họ có sự đảm bảo về tài chính trong quá trình kinh doanh. Tuy nhiên, điều này cũng liên quan đến các vấn đề về giá trị đánh giá của IP và rủi ro liên quan đến việc phát hành chứng khoán dựa trên nó, do đó cần sự chuyên môn trong lĩnh vực này để thực hiện một giao dịch hiệu quả.

Chứng khoán hóa quyền sở hữu trí tuệ qua mô hình trái phiếu

Là một dạng của ABS, IP-backed securitization tức chứng khoán hóa quyền sở hữu trí tuệ có thể được thực hiện qua mô hình trái phiếu.

Tại Việt Nam, phương thức này chưa được phổ biến do thị trường chuyển nhượng tài sản trí tuệ vẫn còn nhận được ít sự chú ý so với các tài sản thực chất như bất động sản, vàng, cổ phiếu,… Tuy nhiên, tại các quốc gia phát triển như Mỹ, Châu Âu, việc chứng khoán hóa quyền sở hữu trí tuệ đã được phổ biến rộng khắp, đặc biệt trong các giai đoạn khủng hoảng kinh tế.

Khi các phương thức huy động vốn khác bị siết chặt hoặc hạn chế, các doanh nghiệp sở hữu tài sản trí tuệ đã tìm được phương thức khác là thông qua chứng khoán hóa quyền sở hữu trí tuệ thông qua hình thức phát hành trái phiếu.

Cụ thể, để chứng khoán hóa IP sẽ có 3 bên liên quan chủ yếu, gồm chủ sở hữu tài sản trí tuệ, một công ty chuyên biệt về chứng khoán hóa SVP (Special Purpose Vehicle), tập hợp các nhà đầu tư mong muốn đầu tư vào khả năng sinh lời của tài sản trí tuệ.

Để huy động vốn, chủ sở hữu tài sản trí tuệ chuyển nhượng quyền tài sản trí tuệ cho SVP và bù lại, họ sẽ nhận được một khoản tiền theo thỏa thuận giữa 2 bên. SVP thanh toán bằng nguồn tiền họ đã có từ trước hoặc dựa trên giao dịch sau đó giữa họ với các nhà đầu tư trái phiếu thông qua hình thức phát hành trái phiếu cho các nhà đầu tư.

Nhà đầu tư mua trái phiếu được phát hành dựa trên niềm tin rằng SVP sẽ có khả năng phát triển mạnh từ việc sở hữu tài sản trí tuệ đó và có khả năng trả lại họ gốc và lãi khi đến thời hạn đáo hạn. Một số nhà đầu tư trái phiếu có thể mua trái phiếu đã hạ giá sâu với mong muốn được sở hữu tài sản thế chấp là tài sản trí tuệ của doanh nghiệp SVP khi công ty tuyên bố phá sản.

Để đảm bảo doanh nghiệp SVP có thể hoạt động hiệu quả và đủ khả năng thanh toán gốc lãi đến hạn cho nhà đầu tư trái phiếu, chủ sở hữu tài sản trí tuệ sẽ phải chuyển nhượng quyền khai thác tài sản trí tuệ cho SVP như quyền thu tiền bản quyền royalties đối với các tác phẩm được bảo hộ bởi quyền tác giả.   

Các loại quyền này cho phép chủ sở hữu khai thác độc quyền sản phẩm sáng tạo được bảo hộ, qua nhiều hình thức khác nhau: khai thác trực tiếp, cấp phép li-xăng hay chuyển nhượng quyền khai thác. Trong trường hợp thỏa thuận giữa hai bên có thời hạn thì sau một giai đoạn nhất định theo như thỏa thuận giữa các bên, chủ sở hữu tài sản trí tuệ sẽ lấy lại quyền đối với tài sản trí tuệ ban đầu.

Mô hình chứng khoán hóa tài sản trí tuệ trên thế giới

Mô hình chứng khoán hóa tài sản trí tuệ đã được áp dụng rộng rãi trên thế giới, được đánh giá là một phương thức huy động vốn mới có khả năng giải quyết nhu cầu tài chính của nhiều doanh nghiệp đang cần gấp nguồn vốn.

Mô hình này đã được nhiều tổ chức quốc tế khuyến nghị như OECD, Liên hợp quốc UN,… Một số vụ việc thành công tiêu biểu bao gồm 11 doanh nghiệp về công nghệ của Trung Quốc đạt được khoản vốn 39 triệu USD thông qua chứng khoán hóa quyền sở hữu trí tuệ hay David Bowie đạt được 255 triệu USD từ việc chứng khoán hóa thu nhập tác quyền tương lai từ 250 bài hát của ông.

Dẫu vậy, các doanh nghiệp, cá nhân sở hữu tài sản trí tuệ tiềm năng vẫn cần lưu ý một số chú ý khi thực hiện chứng khoán hóa quyền sở hữu trí tuệ, bao gồm:

Thứ nhất, khó khăn trong việc định giá tài sản trí tuệ. Khi chuyển nhượng quyền tài sản cho SVP theo mô hình trên, chủ sở hữu nên lưu ý rằng họ có thể bị ép giá thấp trong thỏa thuận song phương khi hiện nay khâu thẩm định giá trị tài sản trí tuệ vẫn chưa được hệ thống hóa hoàn toàn, có thể có sai số lớn.

Đây là một rủi ro mà chủ sở hữu tài sản trí tuệ nên lưu ý khi thực hiện chứng khoán hóa, tránh việc nhận mức chuyển nhượng thấp cùng việc bỏ lỡ cơ hội kinh doanh.

Thứ hai, thời hạn bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ có hạn chế. Đây là rủi ro đối với SVP và nhà đầu tư trái phiếu khi thời hạn bảo hộ, sử dụng quyền sở hữu trí tuệ không phải vĩnh viễn. Đối với nhãn hiệu sẽ là 10 năm trước khi cần gia hạn, đối với sáng chế là 20 năm không thể gia hạn,… Chính vì vậy mà SVP và nhà đầu tư cần kiểm tra thời hạn còn hiệu lực của tài sản trí tuệ trước khi ký kết để có thể khai thác được quyền này, hoặc yêu cầu chủ sở hữu phải tiến hành gia hạn tài sản trí tuệ.

Thứ ba, sự ảnh hưởng của việc chuyển nhượng và sử dụng của SVP trong thương mại. Nếu không có hạn chế trong thỏa thuận, SVP có thể tận dụng tối đa quyền sở hữu trí tuệ để kiếm lợi nhuận nhằm đáp ứng điều kiện thanh toán gốc và lãi cho nhà đầu tư trái phiếu. Việc này có thể bao gồm các biện pháp, phương pháp ảnh hưởng xấu đến tài sản trí tuệ trong dài hạn như việc quảng cáo nhãn hiệu quá mức, cấp phép cho các bên không đủ tiêu chuẩn,…