ChatGPT hay chatbot sử dụng công nghệ trí tuệ nhận tạo được phát triển bởi OpenAI là một công cụ mới và nhiều khả năng sẽ cách mạng hóa cách thức giao tiếp và truy cập thông tin của con người trong tương lai.

Để sử dụng ChatGPT, về cơ bản người dùng sẽ phải nhập câu hỏi vào thanh công cụ của chatbot và chỉ trong vài giây, ChatGPT sẽ đưa ra một câu trả lời chi tiết cho câu hỏi đó.

Bên cạnh những lợi ích rõ ràng, khi việc sử dụng ChatGPT và các công cụ sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo khác đang ngày càng trở nên phổ biến hơn, những tác động của loại công cụ giao tiếp thông minh này đối với các quy định liên quan đến bản quyền, nhãn hiệu và sở hữu trí tuệ nói chung cũng nên được chú ý hơn.

Bài viết này sẽ đề cập đến những tác động của ChatGPT đến các quy định SHTT cũng như những ảnh hưởng của ChatGPT đối với quyền SHTT của các cá nhân và doanh nghiệp.

ChatGPT và tác động đến các quy định SHTT.

Tác động đến các quy định về bản quyền

Khả năng tạo ra nội dung văn bản của ChatGPT đặt ra mối quan ngại về nguy cơ vi phạm bản quyền. Theo các quy định về bản quyền, người tạo ra tác phẩm sẽ là chủ sở hữu bản quyền đầu tiên của tác phẩm đó.

Với ChatGPT, câu hỏi ai có thể sở hữu bản quyền nội dung được nền tảng này tạo ra sẽ không bao giờ có câu trả lời thỏa đáng. Chatbot này được “đào tạo” với số lượng lớn các tài liệu gốc từ nhiều nguồn khác nhau, vì vậy cũng có thể lập luận rằng những người tạo ra tài liệu gốc cũng nên được ghi danh với các nội dung được ChatGPT tạo ra. Tuy nhiên, cũng có thể lập luận rằng những người tạo ra chatbot này hay OpenAI cũng nên sở hữu bản quyền cho những nội dung liên quan khi họ đã tạo ra nền tảng ChatGPT bằng cách viết những đoạn code giúp nền tảng này có thể tự tạo ra nội dung.

Một vấn đề khác của ChatGPT liên quan đến các quy định về bản quyền là nguy cơ các nội dung được nền tảng này tạo ra có thể vi phạm bản quyền của các tác phẩm có liên quan. Vấn đề vi phạm bản quyền có thể xảy ra nếu ChatGPT tạo ra những nội dung tương tự với những tác phẩm được tạo ra trước đó. Hành vi vi phạm bản quyền sẽ xảy ra khi một bên sao chép, xuất bản hoặc bán một tác phẩm có bản quyền khi chưa có được sự cho phép của chủ sở hữu bản quyền. Trong trường hợp này, có thể cho rằng, người sử dụng ChatGPT để tạo nội dung vi phạm bản quyền sẽ có thể phải chịu trách nhiệm cho hành vi vi phạm đó.

Tác động đến các quy định liên quan đến nhãn hiệu

Nhãn hiệu là một từ, biểu tượng hoặc hình ảnh được sử dụng để phân biệt hàng hóa hoặc dịch vụ của một cá nhân hoặc tổ chức cụ thể với hàng hóa dịch vụ của những bên khác.

Khả năng tạo ra tên và logo của ChatGPT, đặt ra câu hỏi về nguy cơ xảy ra hành vi vi phạm nhãn hiệu. Nếu ChatGPT tạo ra một tên hoặc logo tương tự với nhãn hiệu đã được đăng ký bảo hộ, điều này có thể dẫn đến hành vi vi phạm nhãn hiệu.

Tác động đến luật sở hữu trí tuệ

Luật sở hữu trí tuệ (SHTT) được thiết lập để bảo hộ những đổi mới, sáng tạo, chẳng hạn như sáng chế, các tác phẩm văn học, nghệ thuật, biểu tượng, tên, hình ảnh v.v được sử dụng trong lĩnh vực thương mại. ChatGPT có khả năng tác động đến tất cả các quyền SHTT, trong đó có sáng chế, nhãn hiệu và bản quyền.

Ví dụ, nếu ChatGPT có thể tạo ra một sáng chế, có thể lập luận rằng OpenAI cũng sẽ có thể đăng ký và nhận được giấy chứng nhận đăng ký sáng chế theo quy định thông thường. Tuy nhiên, cũng có thể lập luận rằng tài liệu gốc được sử dụng để “đào tạo” Chatbot này cũng nên được coi là những sáng tạo có trước trong lĩnh vực kỹ thuật của sáng chế, điều này đồng nghĩa với việc sáng chế sẽ không đủ điều kiện đăng ký bảo hộ khi thiếu đi tính mới.

Cuối cùng, ChatGPT có khả năng thay đổi toàn diện cách con người giao tiếp và truy cập thông tin. Tuy nhiên, khi việc công nghệ này trở nên phổ biến hơn, các tác động của ChatGPT đối với các quy định liên quan đến bản quyền, nhãn hiệu và sở hữu trí tuệ và nhiều lĩnh vực khác cũng nên được cân nhắc. Những vấn đề liên quan đến khả năng của ChatGPT khi tạo ra nội dung, tên thương hiệu, logo hay sáng chế sẽ rất khó giải quyết và có thể sẽ cần nhiều quy định hơn để làm rõ trong tương lai.