Được biết, ngoài cuộc chiến trường kì nhằm bảo toàn bản quyền giống lúa ST25, hiện nay, ông Hồ Quang Trí lại chuẩn bị đối đầu với một cuộc chiến nhãn hiệu mới. Mới đây, doanh nghiệp của ông đã nộp đơn xin bảo hộ cho một nhãn hiệu mới có tên là “Gạo Ông Cua” tại Hoa Kỳ.

Đơn xin bảo hộ nhãn hiệu Gạo Ông Cua là do Công ty trách nhiệm hữu hạn Hồ Quang Trí, trụ sở 196 đường Tỉnh lộ 8, huyện Trần Đề, Sóc Trăng, Việt Nam nộp lên USPTO.

Theo thông tin trên trang USPTO, nhãn hiệu Gạo Ông Cua này được miêu tả là hình ảnh của một người đàn ông đeo kính (gương mặt của ông Hồ Quang Cua) quay mặt về phía bên phải, bên cạnh là bông lúa và dòng chữ Gạo Ông Cua ở bên trái hình ảnh.

Nhãn hiệu Gạo Ông Cua này là nhãn hiệu mới, độc lập, không có bất kì liên hệ gì với gạo ST25 vốn còn đang trong tranh cãi. Ở trên hồ sơ đăng ký trên trang USPTO, thông tin trên đơn đăng ký nhãn hiệu Gạo Ông Cua không hề có bất cứ mô tả, cụm từ liên hệ nào đến nhãn hiệu “ST25” hay “Gạo ngon nhất thế giới”.

Đơn đăng ký nhãn hiệu Gạo Ông Cua mới của ông Hồ Quang Trí. Nguồn: trademarkelite

Gạo Ông Cua – Nhãn hiệu đầy bí ẩn

Đơn đăng ký nhãn hiệu cho nhãn hiệu Gạo Ông Cua đã đáp ứng được các yêu cầu hợp lệ của một đơn đăng ký nhãn hiệu và đã được USPTO tiếp nhận. Hồ sơ về nhãn hiệu này sẽ được chuyển cho bộ phận thẩm định sau khoảng 3 tháng từ ngày nộp đơn.

Tuy đơn đăng ký nhãn hiệu mới này đã dậy lên cơn sóng trong cộng đồng nhưng bản thân doanh nghiệp nộp đơn – doanh nghiệp của ông Hồ Quang Trí lại từ chối bình luận và tiết lộ thông tin về nhãn hiệu mới này.

Ông Ken D. Dương – Giám đốc điều hành Công ty Luật quốc tế TDL, đơn vị hỗ trợ ông Hồ Quang Cua, doanh nghiệp Hồ Quang Trí khiếu nại và đăng ký bảo hộ nhãn hiệu ở Mỹ – cho biết: “Chúng tôi đã ký thông tin bảo mật với khách hàng. Thời điểm này, khách hàng chưa cho phép chúng tôi công bố tiến trình, thủ tục bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho họ theo quy định của luật pháp Việt Nam và Mỹ. Tạm thời, chúng tôi chưa thể cung cấp thông tin cho báo chí. Khi có kết quả, chúng tôi sẽ thông tin chính thức”.

Rút kinh nghiệm từ quá khứ

Trước đó, vào ngày 4/5, Văn phòng Sáng chế và Thương hiệu Mỹ (USPTO) đã chính thức tiếp nhận đơn đăng ký cho nhãn hiệu gạo ST25 của công ty I&T Enterprise (doanh nghiệp Mĩ) và cho thời hạn 30 ngày để các bên liên quan nộp đơn khiếu nại, phản đối nhãn hiệu này.

Vào ngày 5/5, Thứ trưởng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết ông Hồ Quang Cua muốn nhượng lại bản quyền giống ST25 cho nhà nước. Đây là trường hợp chưa có tiền lệ nên Bộ phải xin phép Chính phủ.

Việc chậm trễ trong đăng ký bảo hộ độc quyền cho các sản phẩm có thế mạnh, có chất lượng của Việt Nam tại nước ngoài đã khiến nhiều nhãn hiệu (không chỉ nhãn hiệu gạo ST25) bị ‘đăng ký hộ’. Các doanh nghiệp muốn lấy lại nhãn hiệu của mình đã phải nhịn đắng nuốt cay trả một khối tiền lớn cho các doanh nghiệp ngoại nhanh tay.

Bên cạnh đó, một trong những nguyên nhân khiến việc đăng kí bảo hộ sở hữu quyền SHTT cho sản phẩm và dịch vụ của doanh nghiệp Việt Nam ở nước ngoài gặp khó khăn là do thủ tục phức tạp, chi phí cho việc thuê luật sư ở nước sở tại, sắp xếp cho cơ quan sở hữu trí tuệ thẩm định đơn đăng ký, và còn phải tốn nhiều chi phí tìm hiểu và khảo sát thị trường…

Về vấn đề chi phí tốn kém, nếu như doanh nghiệp đã có vốn để trả phí nghiên cứu, sản xuất, cung cấp và buôn bán trên toàn cõi lãnh thổ Việt Nam thì không có lí do gì lại không thể đầu tư vào việc đăng ký bảo hộ cho nhãn hiệu, thương hiệu của mình trên quốc tế cả.

Rút kinh nghiệm từ bài học đối với loại gạo ST25, doanh nghiệp Hồ Quang Trí và các đơn vị hỗ trợ trong các thủ tục bảo hộ bản quyền đã nhanh chóng nộp đơn đăng ký nhãn hiệu tại các thị trường ngoại. Nghiên cứu phát triển sản phẩm phải song song với việc gìn giữ, bảo vệ thương hiệu của mình trên thị trường nội địa và quốc tế để tránh việc thương hiệu, nhãn hiệu tâm huyết của mình bị kẻ khác nẫng tay trên đăng ký trước.

-Huntress-