Trong năm 2021, nước ta đã đạt được nhiều bước tiến bộ đáng kể về Sở hữu trí tuệ, đặc biệt là trong công tác xây dựng và phát triển luật SHTT Việt Nam. Hồ sơ dự án Luật được xây dựng từ năm 2020 và đã được tiếp tục phát triển, chỉnh sửa trong năm 2021. Cục SHTT Việt Nam đã chủ trì, phối hợp với các bên liên quan để có thể xây dựng một bộ luật hoàn chỉnh về SHTT Việt Nam trong thời gian ngắn nhất có thể. Cụ thể, công tác xây dựng luật SHTT năm 2021 của nước ta đã trải qua những cột mốc đáng chú ý sau:
Tổ chức lấy ý kiến về dự án Luật
Việc tổ chức lấy ý kiến về dự án Luật diễn ra từ tháng 01 đến tháng 3/2021. Theo đó, Cục SHTT đã tham khảo ý kiến các cơ quan, tổ chức có liên quan đến việc phát triển bộ luật SHTT Việt Nam. Việc tổ chức, lấy ý kiến được thực hiện bằng văn bản, thông qua các cổng thông tin điện tử, các hội thảo tham vấn quốc gia.
Hồ sơ dự án Luật SHTT Việt Nam đã tiêp nhận ý kiến bằng văn bản của 101 cơ quan, tổ chức và ý kiến của đại diện từ 49 cơ quan, tổ chức tại các hội thảo. Tất cả ý kiến đều được tổng hợp, nghiên cứu, giải trình, tiếp thu đầy đủ và thể hiện rõ ràng trong Hồ sơ dự án Luật gửi Bộ Tư pháp để thẩm định.
Trình Chính phủ về Hồ sơ dự án Luật
Việc trình Chính phủ về Hồ sơ dự án Luật diễn ra trong tháng 6/2021.
Sau khi có ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp, Cục SHTT đã nghiên cứu tiếp thu ý kiến thẩm định và trình Chính phủ phê duyệt Hồ sơ dự án Luật (6/2021).
Chính phủ sau đó đã ban hành Nghị quyết số 66/NQ-CP về Phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 6/2021 vào ngày 01/7/2021. Theo đó, Bộ KH&CN được giao trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan chỉnh lý, tiếp thu ý kiến của các Thành viên Chính phủ, hoàn thiện dự án Luật để trình Quốc hội vào Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV.
Trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Hồ sơ dự án Luật
Việc trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Hồ sơ dự án Luật diễn ra trong tháng 8/2021.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ KH&CN thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ ký Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật trình Ủy ban Pháp luật của Quốc hội thẩm tra sơ bộ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến.
Cục SHTT đã phối hợp với các cơ quan liên quan hoàn thiện Hồ sơ dự án Luật theo ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Ủy ban Pháp luật để chính thức trình Quốc hội.
Trình Quốc hội về Hồ sơ Dự án Luật
Việc trình Quốc hội về Hồ sơ Dự án Luật diễn ra trong tháng 9/2021.
Ngày 28/9/2021, Bộ trưởng Bộ KH&CN đã thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ ký Tờ trình và Báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong Hồ sơ dự án Luật để trình Quốc hội. Ngày 29/9/2021, Bộ KH&CN đã tham dự và trình bày tóm tắt dự án Luật tại phiên họp toàn thể lần thứ 2 để thẩm tra dự án Luật của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội.
Tại kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa XV diễn ra vào tháng 10/2021, Bộ trưởng Bộ KH&CN đã trình bày trước Quốc hội báo cáo tóm tắt về dự án Luật. Theo đó, bộ KH&CN đã có báo cáo gửi Quốc hội về dự kiến tiếp thu, giải trình ý kiến thảo luận của đại biểu Quốc hội tại Tổ về dự án Luật.
Tiếp thu, giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội đối với dự án Luật
Việc tiếp thu, giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội đối với dự án Luật diễn ra từ tháng 10/2021.
Sau kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa XV, Cục SHTT tiếp tục phối hợp với cơ quan thẩm tra và các cơ quan liên quan nghiên cứu để tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật và hoàn thiện Báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, chuẩn bị trình Quốc hội tại kỳ họp thứ ba khóa XV vào năm 2022.
(Nguồn: Cục SHTT)