Như một công ty lớn và có tiếng tăm thế giới, Coca Cola có nhiều bí mật kinh doanh để giữ được thị phần và tăng trưởng trong ngành đồ uống, trở thành một gã khổng lồ như hiện nay. Tuy nhiên, những thông tin chi tiết về các bí mật này không được công bố công khai, điển hình nhất ở công thức chế tạo nên sản phẩm Coca Cola đặc trưng.
Một trong những bí mật kinh doanh nổi bật nhất của Coca Cola là công thức sản xuất độc quyền các sản phẩm của họ, bao gồm Coca Cola, Sprite, Fanta, và nhiều thương hiệu đồ uống khác. Công thức này được bảo vệ bởi quyền sở hữu trí tuệ và chỉ được biết đến bởi một số ít nhân viên đặc biệt được phép truy cập vào nó.
Cụ thể, các công thức chế tạo này được bảo vệ dưới hình thức bí mật kinh doanh là một đối tượng thuộc quyền sở hữu công nghiệp.
Bí mật kinh doanh của Coca Cola
Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2022 quy định bí mật kinh doanh là thông tin thu được từ hoạt động đầu tư tài chính, trí tuệ, chưa được bộc lộ và có khả năng sử dụng trong kinh doanh.
Trong đó, yếu tố ‘chưa được bộc lộ’ là quan trọng nhất do khi bị bộc lộ theo phương thức hợp pháp, bí mật kinh doanh sẽ không còn khả năng được bảo hộ theo Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam.
Ví dụ, nếu một doanh nghiệp đảo ngược công thức chế tạo Coca Cola hoặc tìm ra công thức thông qua sự tự tổng hợp, không hề liên quan đến doanh nghiệp và công bố công khai trên thị trường thì bí mật kinh doanh của Coca Cola sẽ không còn được bảo vệ.
Bất kì cá nhân, tổ chức nào cũng sẽ có thể triển khai hoạt động kinh doanh dựa trên công thức chế tạo Coca Cola (Tuy nhiên sẽ không được gọi loại đồ uống đấy là Coca Cola hay các nhãn hiệu được bảo hộ khác do đây là một đối tượng được bảo hộ khác của Luật Sở hữu trí tuệ).
Tại sao không đăng ký bảo hộ sáng chế?
Nhược điểm của bí mật kinh doanh rất rõ ràng khiến cho nhiều bên tự hỏi, thắc mắc rằng tại sao Coca Cola không đăng ký sáng chế công thức chế tạo Coca Cola để bảo vệ nó, thay vì mạo hiểm bị tìm, phát hiện công thức như hiện tại.
Bởi lẽ nếu bị bộc lộ, dù Luật Sở hữu trí tuệ có bảo vệ quyền lợi của Coca Cola thông qua xử phạt cá nhận, doanh nghiệp ăn trộm công thức trái pháp luật như gián điệp, mua chuộc nhân viên,… thì thực tế công thức đó cũng đã bị công khai.
Khi đó tổn thất của Coca Cola sẽ không thể nào được đền bù chỉ với khoản tiền phạt doanh nghiệp, cá nhân công khai công thức đó.
Từ góc nhìn của nhiều chuyên gia trên thế giới, việc Coca Cola giữ công thức chế tạo như một bí mật kinh doanh là hoàn toàn hợp lí và đã thành công vượt mong đợi do công ty này đã có tuổi đời hơn 100 năm, từ cuối những năm thế kỉ 19 ở Hoa Kỳ.
Theo luật sở hữu trí tuệ của Hoa Kỳ và nhiều quốc gia khác trên thế giới, các sáng chế sẽ chỉ có thời gian bảo hộ là 20 năm, đổi lấy sự công khai của đối tượng bảo hộ là công thức chế tạo Coca Cola gồm nguyên liệu, cách thức chế tạo,… Trong thời hạn bảo hộ này, không bên nào được quyền xâm phạm sáng chế trên dù họ biết công thức chế tạo.
Hết thời hạn bảo hộ, bất kì bên nào cũng sẽ có quyền sử dụng sáng chế đó trong thương mại.
Hơn 100 năm, công thức chế tạo Coca Cola vẫn được các nhà quản lý tối cao của Coca Cola giữ chặt không lan truyền, trở thành một trong các công thức bất truyền nổi tiếng nhất thế giới. Nhiều chuyên gia đánh giá rằng nếu Coca Cola đăng ký sáng chế từ hơn 100 năm trước, có lẽ công ty này đã không gặt hái được thành công như ngày hôm nay.