Đài truyền hình VTV Việt Nam đã mua được bản quyền phát sóng World Cup 2022 với sự hỗ trợ, hợp tác và ủng hộ nhiệt tình của các nhà tài trợ là Ngân hàng Thương mại cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng VPBank, Tập đoàn Vingroup, Ngân hàng Thương mại cổ phần Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank), Ngân hàng Thương mại cổ phần Kỹ thương Việt Nam (Techcombank), Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn – Hà Nội (SHB), Tập đoàn T&T Group. Tuy nhiên, dù mua được bản quyền nhưng các cuộc đấu tranh vẫn chưa dừng lại. Hiện tại, ta cần nâng cao nhận thức người dân Việt Nam để bảo vệ bản quyền phát sóng World Cup cũng như quyền lợi của các bên tài trợ và của chính người dân Việt Nam.

Với việc mua bản quyền World Cup 2022 một cách hợp pháp, người dân Việt Nam giờ đã có thể xem trọn vẹn 64 trận cầu đỉnh cao hoàn toàn miễn phí.

Tuy nhiên, đi kèm với lợi ích đó cũng là trách nhiệm của mỗi người dân Việt Nam nói riêng cũng như toàn thể Việt Nam nói chung. Đơn vị sở hữu bản quyền phát sóng World Cup cần phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền để ngăn chặn việc phát sóng trái phép các trận bóng theo quy định về bảo hộ bản quyền, tài sản trí tuệ của FIFA.

Nâng cao nhận thức của người dân

Dù rằng đã có bản quyền nhưng ngay khi thông tin VTV phối hợp với các nhà tài trợ bỏ hơn 350 tỷ đồng để mua bản quyền (cùng với các chi phí khác như thiết lập đường dẫn tốc độ cao với FIFA – Qatar), nhiều người dân Việt Nam đã bình luận về việc dù có bản quyền nhưng họ vẫn sẽ tiếp tục xem các kênh phát world cup lậu.

1 phần lí do là vì các chương trình World Cup có các bình luận viên quá cứng ngắc, không vui tính, phải bình luận theo đúng tiêu chuẩn còn các kênh lậu lại có các ‘bình luận viên’ hài hước hơn, bình luận không câu nệ, gây tiếng cười, xoáy vào nhu cầu của người xem.

1 phần lí do khác là vì có nhiều người bảo xem lậu quen rồi nên xem bản quyền không vui, không thích. Lí do trên còn có thể thông cảm nhưng lí do này đã phản ánh phần nào nguyên nhân sở hữu trí tuệ vẫn không được coi trọng ở Việt Nam, bởi lẽ nhận thức của người dân về bản quyền, nhãn hiệu, sáng chế vẫn còn quá nghèo nàn.

Hệ quả

Chính thái độ hờ hững của người dân Việt Nam và đất nước Việt Nam là nguyên nhân khiến vị thế của Việt Nam trên khán đài thế giới bị ảnh hưởng.

Các tổ chức, quốc gia coi trọng quyền sở hữu trí tuệ luôn xem sở hữu trí tuệ và các loại tài sản trí tuệ như một loại tài sản tinh thần, có bản chất ‘quý tộc’, tinh vi hơn so với các cơ sở vật chất thông thường. Nói cách khác, quốc gia xem trọng và không xem trọng tài sản trí tuệ có thể được ví vui như giai cấp quý tộc và giai cấp nông dân. Điều này là thực tế bởi lẽ một quốc gia yếu kém, còn phải lo lắng về chiến tranh liên miên, mù chữ, nạn đói,… sẽ không thể nào dành quá nhiều nguồn lực cho các vấn đề về sở hữu trí tuệ.

Thái độ và hành vi của Việt Nam đối với bản quyền sẽ quyết định cách ứng xử của các tổ chức thượng tầng trên thế giới đối với Việt Nam. Tuy không nói rõ nhưng không bàn về vấn đề dân số và các yếu tố khách quan khác thì việc Việt Nam là một trong các quốc gia chậm nhất mua được bản quyền World Cup (do đơn vị phân phối bản quyền World cup 2022 khu vực châu Á – Thái Bình Dương là Infront Sports & Media từ chối hạ giá), đứng trước thái độ cứng rắn của FIFA có thể chính là một lời nhắc nhở của FIFA đối với thái độ của Việt Nam – quốc gia từ lâu đã nằm trong danh sách các thị trường nguy cơ về vấn đề hàng giả, hàng nhái, phim lậu, phát sóng lậu,…

Bảo vệ bản quyền phát sóng World Cup 2022 tại Việt Nam

Qua đó, hiện tại World Cup 2022 chính là thời cơ để Việt Nam khẳng định bản thân trên khán đài quốc tế, chứng tỏ rằng quốc gia này sẵn sàng mạnh tay với các vấn đề sở hữu trí tuệ và thực sự đạt được hiệu quả cao bằng cách làm giảm đáng kể các nguồn phát sóng lậu World Cup 2022.

Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này thì chính người dân Việt Nam cũng phải nỗ lực.

Nếu đã có thể xem miễn phí World Cup tại Qatar trên VTV2, VTV3, VTV5, VTV Cần Thơ cùng các nền tảng số VTVGo của VTV thì tại sao lại phải xem lậu để dính quảng cáo và một vài lời bình luận thô tục, trong khi cùng lúc thực hiện hành vi vi phạm bản quyền?