Việc làm sạch răng từ rất lâu đã được cư dân của các nền văn minh cổ đại khác nhau trên thế giới thực hiện trước khi mọi người nhận ra rằng chiếc bản chải có thể giúp quá trình này trở nên thoải mái hơn nhiều. Vào khoảng 5000 năm trước Công nguyên, người Ai Cập đã thực hiện việc vệ sinh răng miệng bằng cách thoa một loại bột đặc biệt lên răng của họ. Loại bột này được làm từ hỗn hợp vỏ trứng nghiền và móng bò. Thật khó có thể tưởng tượng việc đánh răng hoặc súc miệng với hỗn hợp này.

Khoảng 1.500 năm sau, tại thời kỳ hoàng kim của vương quốc Babylon, sáng chế “que nhai” đầu tiên đã ra đời. Sáng chế này được tạo nên với một cành cây nhỏ dùng để cọ vào răng hoặc nhai, đây là một trong những công cụ vệ sinh răng miệng lâu đời nhất. Người Ai Cập cũng sử dụng những công cụ tương tự trong cùng thời kỳ đó vào những năm 3500 và 3000 trước Công nguyên. 1.500 năm tiếp theo trôi qua và người Trung Quốc đã cải tiến “que nhai” bằng cách sử dụng những cành cây và vỏ cây có mùi thơm nồng để vệ sinh răng miệng và giúp hơi thở thơm tho.

Bàn chải đánh răng trong quá khứ và hiện tại.

Trung Quốc vẫn là quốc gia dẫn đầu về việc vệ sinh răng miệng trong cả thiên niên kỷ thứ nhất và thứ hai SCN. Có một số cuộc tranh luận về thời điểm chiếc bàn chải đánh răng đầu tiên được ra đời. Một số người cho rằng nó xuất hiện vào khoảng thời nhà Đường trước năm 1000 SCN, một số tài liệu lịch sử đã đề cập đến việc các nhà sư ở miền Bắc Trung Quốc sử dụng một loại công cụ có lông giống như bàn chải vào đầu thế kỷ 13. Nhưng hầu hết các  thông tin về chủ đề này, bao gồm cả thông tin của Thư viện Quốc hội Hoa Kỳ, ghi nhận những chiếc bàn chải đầu tiên có niên đại từ cuối thế kỷ 15.

Về những thành phần để tạo ra chiếc bàn chải cổ xưa này, hầu như tất cả các nghiên cứu về chủ đề này đều khẳng định rằng lông của những chiếc bàn chải được làm từ lông heo, đặc biệt là những sợi lông dày mọc trên cổ của heo tại Trung Quốc, trong khi phần tay cầm được làm từ xương hoặc tre. Các thương nhân từ châu Âu cuối cùng cũng đã đến được Trung Quốc vào khoảng thời gian này nên những chiếc bàn chải đã được chuyển đến châu Âu, tuy nhiên người châu Âu lại ưa chuộng lông đuôi ngựa hơn (mềm hơn nhưng kém hiệu quả hơn) hay thậm chí là lông vũ.

Thương mại hóa bàn chải đánh răng

Về bối cảnh dẫn đến việc sản xuất hàng loạt bàn chải đánh răng và thời kỳ chúng bắt đầu có giá trị với tư cách là tài sản SHTT được thương mại hóa, các nhà sử học đều đồng thuận rằng một doanh nhân người Anh được ít người biết đến với cái tên là William Addis, đã tạo ra thứ gần giống nhất với bàn chải đánh răng hiện đại bằng cách khoét một cái cán từ xương gia súc và xâu những sợi lông lợn vào những hàng lỗ đã được khoan vào phần đầu của chiếc bàn chải.

Addis ngay lập tức nhận ra sáng chế của mình có giá trị về mặt thương mại, vì vậy ông đã bắt đầu hoạt động thương mại hóa sáng chế của mình. Bằng cách thực hiện bước quan trọng là đăng ký sáng chế của mình, Addis đã tạo ra nền tảng mới cho hoạt động kinh doanh. Addis, là một công ty vẫn tồn tại cho đến ngày nay và bàn chải đánh răng cùng các sản phẩm vệ sinh răng miệng của hãng được sản xuất dưới một đơn vị riêng có tên là Wisdom.

Những chiếc bàn chải đã được nhập khẩu vào nước Mỹ từ sớm trong suốt khoảng thời gian đầu thế kỷ 19. Nhưng lại không có ai đăng ký sáng chế cho sản phẩm này cho đến năm 1857, khi H.N. Wadsworth nộp đơn xin cấp bằng sáng chế thành công cho chiếc bàn chải khác biệt so với sáng chế của Addis. Wadsworth đã thiết kế các chùm lông bàn chải xa nhau hơn để chúng có thể chạm tới nhiều răng hơn.

Chiếc bàn chải được thay đổi với tốc độ chóng mặt

Ngoài sự mong đợi của Addis, bàn chải đánh răng trở thành một mặt hàng được sản xuất hàng loạt ở Mỹ vào những năm 1880. Tuy nhiên, những đột phá thực sự cho sản phẩm này bắt nguồn từ quan điểm đổi mới và SHTT, đến vào những năm 1930.

Bàn chải đánh răng được đăng ký sáng chế vào lúc nào?

Các nhà sáng chế đang cố gắng hoàn thiện hơn nữa chiếc bàn chải đánh răng bằng cách làm cho chúng “thông minh” hơn. Chỉ trong năm 2012, Văn phòng Sáng chế & Nhãn hiệu Hoa Kỳ (USPTO) đã cấp 138 bằng sáng chế của Mỹ cho bàn chải đánh răng hoặc hệ thống bàn chải tương tự.

Trong các phòng thí nghiệm tại DuPont, Wallace H. Carothers và các đồng nghiệp của ông đã thử nghiệm và tạo ra các loại polyme tổng hợp khác nhau. Nhóm nghiên cứu đã sáng chế ra một loại cao su tổng hợp theo ý tưởng tổng hợp loại polyme lý tưởng để sản xuất quần áo. Điều này là bước đệm để tạo ra nylon, chất liệu mà Carothers đã nộp đơn đăng ký sáng chế vào năm 1937 chỉ vài tuần trước khi ông qua đời sớm. Thật không may khi Carothers đã không sống để chứng kiến ​​nylon trở thành vật liệu mới được sử dụng để sản xuất lông bàn chải đánh răng và là loại vải chính trong vô số sản phẩm. Đổi mới tiếp theo liên quan đến bàn chải đánh răng chính là việc chúng trở thành thiết bị điện, xuất hiện vào cuối những năm 1950 khi công ty Squibb giới thiệu sản phẩm Broxodent đến thị trường Hoa Kỳ.

Thậm chí đến hiện tại, bàn chải đánh răng cũng khó có thể được gọi là sản phẩm “hoàn hảo”. Một cuộc nghiên cứu nhanh thông qua cơ sở dữ liệu PATENTSCOPE của Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới (WIPO) cho thấy ít nhất 300 bằng sáng chế liên quan đến bàn chải đánh răng đã được nộp trong năm 2020.