Trong quá trình đăng ký nhãn hiệu tại Việt Nam, người nộp đơn có thể yêu cầu tách đơn đăng ký nhãn hiệu vì nhiều mục đích. Bài viết sau sẽ chỉ rõ quy định của pháp luật Việt Nam về việc tách đơn đăng ký nhãn hiệu.

Điểm b khoản 1 Điều 115 Văn bản hợp nhất 11/VBHN-VPQH 2022 Luật Sở hữu trí tuệ quy định trước khi cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp thông báo từ chối cấp văn bằng bảo hộ hoặc quyết định cấp văn bằng bảo hộ, người nộp đơn có quyền tách đơn đăng ký sở hữu công nghiệp.

Việc sửa đổi, bổ sung đơn đăng ký sở hữu công nghiệp không được mở rộng phạm vi đối tượng đã bộc lộ hoặc nêu trong đơn và không được làm thay đổi bản chất của đối tượng yêu cầu đăng ký nêu trong đơn, đồng thời phải bảo đảm tính thống nhất của đơn.

Nếu yêu cầu tách đơn, người yêu cầu phải nộp bổ sung phí và lệ phí. Trong trường hợp tách đơn thì ngày nộp đơn của đơn được tách được xác định là ngày nộp đơn của đơn ban đầu.

Tại sao cần tách đơn đăng ký nhãn hiệu?

Việc tách đơn đăng ký nhãn hiệu liên quan đến việc chia nhỏ một hoặc một số phần của nhãn hiệu từ đơn đăng ký ban đầu sang một hoặc nhiều đơn đăng ký nhãn hiệu mới.

Ví dụ, người nộp đơn có thể tách các thành phần khác nhau, hoặc tách một phần danh mục hàng hoá, dịch vụ đã được đăng ký trong đơn ban đầu sang các đơn đăng ký nhãn hiệu mới tương ứng.

Các đơn tách được gán một số đơn đăng ký nhãn hiệu mới và giữ ngày nộp đơn của đơn ban đầu, hoặc (nếu có) giữ ngày ưu tiên của đơn ban đầu.

Sau khi được xác nhận đơn hợp lệ bởi Cục, các đơn tách sẽ được công bố ra công chúng như một đơn đăng ký nhãn hiệu thông thường. Trong thời gian này, đơn ban đầu vẫn tiếp tục qua quy trình xử lý thông thường.

Trong nhiều trường hợp, vì tối ưu hóa phạm vi bảo hộ nhãn hiệu mà người nộp đơn cần tách đơn đăng ký nhãn hiệu thành hai hoặc nhiều đơn hơn. Việc tách đơn đăng ký nhãn hiệu sẽ giúp người đăng ký có sự linh hoạt hơn so với việc bám sát vào đơn đăng ký nhãn hiệu duy nhất. Trong tương lai, có thể chủ sở hữu nhãn hiệu có thể chuyển nhượng quyền sở hữu một nhãn hiệu được cấp chứng nhận trong khi vẫn giữ quyền sở hữu đối với nhãn hiệu còn lại đã được tách riêng.

Thủ tục tách đơn đăng ký nhãn hiệu

Để thực hiện tách đơn đăng ký nhãn hiệu, có 2 công đoạn người nộp đơn cần thực hiện là nộp yêu cầu tách đơn và nộp yêu cầu sửa đổi đơn đăng ký nhãn hiệu ban đầu.

Hồ sơ tách đơn đăng ký nhãn hiệu gồm:

– Tờ khai đăng ký nhãn hiệu ghi cụ thể số đơn và ngày nộp đơn của đơn gốc;

– Mẫu nhãn hiệu kèm theo;

– Văn bản đề nghị tách đơn đăng ký nhãn hiệu;

– Giấy ủy quyền

– Biên lai nộp phí,lệ phí tách đơn

Sau khi đã chuẩn bị hồ sơ tách đơn và hồ sơ yêu cầu sửa đổi đơn đăng ký nhãn hiệu ban đầu, người nộp đơn gửi cả hai hồ sơ đến Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam.

Tương tự như một đơn đăng ký nhãn hiệu thông thường, đơn tách sẽ trải qua các quá trình thẩm định hình thức và thẩm định nội dung. Tuy nhiên, tiến độ sẽ được đẩy nhanh hơn do Cơ quan thẩm định sẽ tiếp nối quá trình thẩm định ban đầu ở đơn ban đầu.

Đáng chú ý, để đảm bảo tính nhất quán, quá trình thẩm định đơn ban đầu và đơn tách sẽ được thực hiện bởi cùng một thẩm định viên tại cùng một Phòng Nhãn hiệu, không thay thế. Việc này chỉ thay đổi nếu đơn ban đầu bị từ chối cấp văn bằng bảo hộ. Trong trường hợp đó, quá trình thẩm định có thể được chuyển đến chuyên viên khác nhưng khi đến bước cấp văn bằng bảo hộ, Phòng Đăng ký Nhãn hiệu vẫn cần lấy ý kiến từ Phòng Nhãn hiệu với chuyên viên thẩm định đơn ban đầu do đơn ban đầu đã bị từ chối.