Đã có nhiều trường hợp trong xã hội khi mà người bị chụp ảnh lại bị kiện ngược lại vì hành vi sử dụng bức ảnh có đối tượng là chính bản thân mình bởi nhiếp ảnh gia. Điều này là bởi lẽ theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ của nhiều quốc gia trên thế giới, nhiếp ảnh gia sẽ là người nắm giữ quyền tác giả đối với sản phẩm là bức ảnh, không phải đối tượng được chụp ảnh. Chính vì quy định như vậy mà đã có nhiều trường hợp có các vụ kiện tới chính bản thân đối tượng được chụp ảnh mà kết quả cuối cùng nghiêng về phía nhiếp ảnh gia chứ không phải người bị chụp ảnh.
Bức ảnh hay bức tranh đều có thể tạo nên mâu thuẫn về quyền tác giả giữa người được chụp và nhiếp ảnh gia, hoặc họa sĩ. Hai bên đều có lập luận đáng tin cậy, vững chắc về việc tại sao mình có quyền đối với bức ảnh, bức tranh mà mình tạo nên hoặc do họ là đối tượng chính của bức tranh đó.
Câu trả lời cho việc quyền tác giả thuộc về ai sẽ còn tùy thuộc vào Luật Sở hữu trí tuệ của từng quốc, cụ thể là điều khoản về Quyền tác giả, quyền liên quan bởi lẽ không có bộ luật nào giống hệt nhau. Dẫu vậy, xét theo mặt bằng chung của phần lớn các quốc gia trên thế giới thì quyền tác giả đối với bức ảnh sẽ thuộc về người tạo ra nó chứ không thuộc về đối tượng được chụp ảnh.
Việc này sẽ tương đối khó hiểu đối với phần lớn người dân tuy nhiên, việc này có thể trở nên dễ hiểu hơn nếu so sánh bức ảnh bằng bức tranh do tại hầu hết các quốc gia, quyền sở hữu trí tuệ đối với hai loại hình tác phẩm này thường tương đồng với nhau.
Một họa sĩ dành hàng giờ để vẽ một người tạo dáng chuyên nghiệp được thuê để tạo dáng, đứng im trong nhiều giờ đồng hồ liên tục. Trong trường hợp này thì hiển nhiên quyền đối với bức tranh tạo nên sẽ thuộc về họa sĩ chứ không phải đối tượng của bức tranh.
Tương tự như vậy, quyền đối với bức ảnh sẽ thuộc về nhiếp ảnh gia chứ không phải người được chụp. Dẫu vậy, việc nhiếp ảnh gia đó có quyền chụp ảnh người bị chụp không lại là một vấn đề khác. Nếu tranh ảnh được vẽ, chụp mà không có sự xin phép của đối tượng được chụp có thể dẫn đến các vụ kiện từ chính người bị chụp, được vẽ do họ đã bị xâm phạm quyền riêng tư, xúc phạm danh dự (nếu có),…
Nếu trong trường hợp người chụp có quyền chụp ảnh, như một bức ảnh ở nơi công cộng mà người được chụp vô tình lọt vào ống kính thì gần như chắc chắn người được chụp sẽ thua kiện do họ đang ở nơi công cộng và không có quyền cấm người khác chụp ảnh.
Theo đó, quyền đối với các bức ảnh rõ ràng thuộc về người chụp ảnh trong trường hợp không có mâu thuẫn về bản chất nào khác. Nếu đối tượng được chụp ảnh sử dụng ảnh mà không xin phép, họ đã thực hiện hành vi xâm phạm quyền tác giả của nhiếp ảnh gia.
Tại Hoa Kỳ, hành vi xâm phạm bản quyền có thể bị xử phạt lên tới 30.000 đô la cho mỗi hành vi vi phạm và lên tới 150.000 đô la cho hành vi cố ý vi phạm.
Ví dụ của hành vi cố ý vi phạm là việc người sử dụng ảnh cố ý xóa các watermark mà nhiếp ảnh gia chèn vào tác phẩm của mình hoặc chèn chữ, xóa tên tác giả, thay đổi nội dung, màu sắc bức ảnh một cách có chủ đích nhằm tránh các công cụ quét vi phạm quyền tác giả,…
Thực trạng nhầm lẫn về quyền tác giả đối với tranh, ảnh
Hiện nay, trong xã hội, với sự phổ biến của điện thoại thông minh, cụ thể hơn là công nghệ chụp ảnh cấp tốc, nhiều người dân đã từ một người dân bình thường chuyển thành các nhiếp ảnh gia không chuyên.
Sau đó, họ đăng các tấm ảnh đó lên mạng xã hội, mở cho tất cả mọi người sử dụng. Nếu không có trường hợp vi phạm đặc biệt nghiêm trọng như bôi nhọ, bêu xấu,… phần lớn các nhiếp ảnh gia không chuyên sẽ không tiến hành các vụ kiện pháp lý nếu có một bên sử dụng hình ảnh của họ không xin phép, bởi lẽ hầu hết bản thân họ cũng thực hiện việc như vậy.

Đây được xem là một thị trường mở mà các nhiếp ảnh gia không chuyên, người dân có thể thoải mái trao đổi tác phẩm của mình mà không cần xin phép.
Tuy nhiên, song ảnh với nhóm nhiếp ảnh gia không chuyên, nghiệp dư chính là nhóm nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp sử dụng hình ảnh chụp để thương mại hóa. Theo đó, đối với nhóm nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp, việc thực hiện các biện pháp pháp lý để bảo vệ quyền lợi của mình, quyền sở hữu đối với tác phẩm là bức ảnh là đặc biệt thông dụng.
Thậm chí, một vài nhiếp ảnh gia cá biệt còn coi việc thực hiện các vụ kiện yêu cầu bồi thường, đòi quyền lợi là hình thức kiếm thu nhập chính chứ không đến từ việc bán, chuyển giao quyền tác giả, cấp phép sử dụng hình ảnh,…
Tuy nhiên, suy nghĩ này là sai lầm. Các nhiếp ảnh gia cần coi các công cụ sở hữu trí tuệ như tấm khiên để bảo vệ lợi ích của mình chứ không nên lạm dụng hệ thống để kiếm lợi ích, cố ý ‘thả mồi’ tác phẩm của mình trên các nền tảng công khai, thậm chí gán mác ẩn ý đây là tác phẩm miễn phí để từ đó có thể thực hiện việc kiện tụng để kiếm lợi.
Không chỉ sai về mặt đạo đức mà hành vi này có thể còn chịu xử phạt theo quy định của pháp luật bởi lẽ việc lợi dụng hệ thống pháp lý, tìm kiếm lỗ hổng pháp lý để trục lợi là hành vi bị nghiêm cấm của mọi bộ luật.
Quay lại vấn đề ban đầu, việc càng nhiều nhiếp ảnh gia không chuyên xuất hiện đã khiến nhiều nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp sử dụng sản phẩm của họ một cách chính đáng như nguồn thu hợp pháp chịu ảnh hưởng nặng nề. Bởi lẽ với công nghệ hiện nay, không thể nào một chủ sở hữu quyền tác giả có thể giám sát được mọi khu vực trong không gian mạng và tiến hành các hành động pháp lý tương ứng.
Qua đó, nếu hành vi sử dụng bừa bãi, không xin phép tiếp tục tiếp diễn và ngày càng nhiều hơn với sự phổ cập của Internet tại các quốc gia kém phát triển ở Châu Á, Châu Phi,… thì quyền lợi của tác giả sẽ tiếp tục chịu suy giảm.
Góc nhìn của nhiếp ảnh gia
Như đã phân tích ở trên, đối với các nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp, các tác phẩm của họ chính là nguồn thu chính và do đó, họ sẽ tích cực, chủ động bảo vệ lợi ích của mình trước hành vi xâm phạm.
Tuy nhiên, đối với hầu hết các nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp thì việc hạn chế hoàn toàn việc sử dụng cũng không phải thường thấy bởi lẽ họ hiểu được rằng sự cấm đoán như vậy chỉ có tác dụng ngược. Thay vào đó, thông thường họ chỉ cần các bên sử dụng ‘credit’ họ vào bức tranh, như ghi tên tác giả ở mép tranh, ảnh hoặc đính kèm link trỏ về tường của tác giả trong bài viết của mình.
Đối với các trường hợp như vậy, dù vẫn có thể cấu thành hành vi xâm phạm do người sử dụng đã không xin phép tác giả và được sự đồng ý của họ, thì hầu hết các tác giả cũng sẽ không làm căng vụ việc. Trên thực tế, nếu bài viết có link trỏ về trang web của tác giả thì sẽ được họ dễ chấp nhận hơn khi so với việc ghi tên thông thường.
Mặt khác, các tác giả là nhiếp ảnh gia cũng có thể thực hiện cơ chế ‘cấp phép thương mại’ một lần. Về cơ bản, điều này có nghĩa là tác giả sẽ bỏ qua cho hành vi sử dụng không hợp pháp của bên sử dụng một lần duy nhất. Thông thường, họ sẽ thông báo bằng văn bản cho bên xâm phạm và yêu cầu điều này không được tái diễn, đồng thời (nếu có thể) thì sản phẩm xâm phạm ban đầu buộc phải chỉ, đính chính thông tin trở ngược lại tác giả.