Trong ngày cuối năm 2021, lãnh đạo các Bộ Khoa học và Công nghệ; Công thương; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ký Kế hoạch phối hợp hỗ trợ bảo hộ nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý ở nước ngoài cho sản phẩm xuất khẩu tiềm năng của Việt Nam giai đoạn 2022-2025 dưới sự chứng kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam trong khuôn khổ Hội nghị tổng kết ngành khoa học và công nghệ.
Xuyên suốt năm 2021, Bộ Khoa học và Công nghệ đã triển khai thực hiện nhiều chương trình góp phần gia tăng các biện pháp bảo hộ nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, phát triển tài sản trí tuệ, đặc biệt là đối với những hàng hóa tại thị trường tiềm năng.
Trong năm 2021, Bộ Khoa học và Công nghệ đã hỗ trợ bảo hộ thành công chỉ dẫn địa lý Vải thiều Lục Ngạn, Thanh long Bình Thuận tại thị trường Nhật Bản. Việc này đã đánh dấu bước nhảy vọt của Việt Nam trên khán đài quốc tế, đặc biệt là trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ.
Tổng cộng trong năm 2021 nước ta đã ghi nhận 95.139 đơn đăng ký bảo hộ, xác lập quyền sở hữu trí tuệ. Trong đó có 85.204 đơn các loại đã được xử lý thành công.
Cuối năm 2021, tiếp tục thực hiện các chương trình, dự án với chủ trương gia tăng tầm ảnh hưởng của sở hữu trí tuệ tại Việt Nam, Bộ khoa học đã tiếp tục đưa ra Kế hoạch phối hợp hỗ trợ bảo hộ nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý ở nước ngoài cho sản phẩm xuất khẩu tiềm năng của Việt Nam giai đoạn 2022-2025.
Cụ thể, chương trình thí điểm hỗ trợ đăng ký nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý cho một số sản phẩm nông nghiệp có tiềm năng xuất khẩu vào thị trường nước ngoài trọng điểm.
Thí điểm đánh giá sản phẩm xuất khẩu tiềm năng
Hoạt động thí điểm đánh giá sản phẩm xuất khẩu tiềm năng được thực hiện dựa theo khuôn khổ của nội dung hỗ trợ doanh nghiệp đăng ký nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý ở nước ngoài trong Nghị quyết Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2021 với nội dung: “Giao Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan, địa phương liên quan hỗ trợ hiệu quả việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu của Việt Nam ở nước ngoài”.
Kế hoạch phối hợp này đã nhận được sự quan tâm từ các Bộ, ngành liên quan. Đồng thời, chương trình cũng nhận được sự góp ý nhiệt tình từ các địa phương có nhiều sản phẩm xuất khẩu tiềm năng.

Hiện tại, Kế hoạch phối hợp sẽ lựa chọn 3 sản phẩm: vải thiều của tỉnh Bắc Giang, xoài của tỉnh Đồng Tháp, nhãn và long nhãn của tỉnh Sơn La để nghiên cứu thí điểm đánh giá xác định sản phẩm tiềm năng và thị trường trọng điểm để có đề xuất hướng hỗ trợ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý ở các thị trường phù hợp.
Được biết, trong tương lai, việc hỗ trợ sẽ được mở rộng cho những sản phẩm xuất khẩu tiềm năng khác.