Mới đây, vụ lùm xùm bản quyền Quốc ca của BH Media, thậm chí dẫn đến việc Quốc ca phải bị tắt tiếng trên Youtube trong trận Lào – Việt Nam đã khiến người dân cả nước phẫn nộ. Tuy nhiên, cần phải lưu ý rằng Việt Nam không phải nước đầu tiên có lùm xùm xung quanh bản quyền Quốc ca mà việc này đã diễn ra nhiều lần trên khắp thế giới.

Bản quyền quốc ca vốn là một vấn đề phức tạp.

Nếu hiểu theo khái niệm thông thường thì quốc ca vốn là ca khúc của toàn quốc, của cả dân tộc. Vậy tại sao lại phải có khái niệm bản quyền quốc ca làm gì để tranh chấp?

Tại sao không có một quy định cụ thể về việc loại bỏ quốc ca ra khỏi lĩnh vực có thể tranh chấp?

Bởi lẽ luật SHTT, cũng như mọi bộ luật khác của mọi quốc gia trên thế giới đều nhằm để giải quyết tình trạng hiện tại của xã hội tại một thời điểm nhất định. Chính vì vậy mà luật pháp ở vài nghìn, vài trăm, thậm chí là vài chục năm trước sẽ không thể nào áp dụng cho tình hình xã hội hiện tại được.

Qua đó, có thể một ngày nào đó nhà nước Việt Nam sẽ ban hành bộ luật nhằm riêng vấn đề về bảo vệ bản quyền, bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam. Tuy nhiên, hiện tại thì ta chỉ có thể bảo vệ Quốc ca của mình thông qua các cách giải quyết thông thường hơn như chính phủ của các nước phát triển và các tổ chức tư nhân của họ đang thực hiện khi tranh chấp về bản quyền quốc ca xảy đến/có thể xảy đến.

Quốc ca Mỹ

Tại Mỹ, bài hát “The Star-Spangled Banner” đã được quốc hội Mỹ năm 1931 tuyên bố là quốc ca, nên bản quyền bài hát thuộc sở hữu toàn dân.

Tuy nhiên, các quyền cơ học, quyền phát hành và trình diễn vẫn được áp dụng với quốc ca Mỹ. Quyền cơ học bảo vệ bản quyền phần phối khí cho các tổ chức, cá nhân đã đầu tư công sức, tiền của để ghi âm một bản quốc ca.

Theo lý giải của nhiều hãng luật nổi tiếng, dù quốc ca Mỹ không còn bản quyền tác giả là cá nhân cụ thể, hệ thống luật liên bang về bản quyền âm nhạc tại Mỹ vẫn lưu ý đến quyền tài sản xuất bản nhạc của bài hát này, nhằm đảm bảo rằng quyền của các bên liên quan không bị xâm phạm.

Chẳng hạn như Giải Bóng bầu dục Quốc gia Mỹ (NFL) nếu muốn dùng bài hát quốc ca trong khuôn khổ chương trình của mình thì họ phải tự tổ chức trình diễn, thu âm quốc ca trước mỗi trận đấu và phát sóng trên các kênh truyền hình. Trong trường hợp này, NFL sẽ nắm quyền cơ học, trình diễn và phát hành đối với riêng phiên bản ghi âm đó. Các tổ chức hay cá nhân sử dụng lại bản nhạc do NFL thực hiện cần xin phép tổ chức này hoặc bỏ tiền ra mua.

Không chỉ NFL mà các tổ chức thể thao hay các tổ chức khác cũng cần phải thực hiện tương tự nếu muốn sở hữu bản quyền bài hát của mình và phát sóng đúng luật.

Qua đó, mọi người dân Mỹ đều có quyền hát, trình bày, biểu diễn quốc ca Mỹ ở mọi nơi và trên các nền tảng trực tuyến như YouTube, miễn là họ không sử dụng bản ghi âm của NFL hay các tổ chức tương tự vốn được họ đầu tư tiền bạc để sản xuất.

Quốc ca Singapore

Tại Singapore, mới đây người dân nước này cũng bức xúc vì vụ đạo nhái, ‘cướp’ quốc ca, thậm chí là phát ngôn tuyên bố quốc ca Singapore thực chất chỉ là đạo nhái,…

Cụ thể, bài hát “Count on Me, Singapore” – một trong những ái quốc ca của Singapore đã bị ông Joseph Mendoza, nhà soạn nhạc người Ấn Độ sáng tác ra bài hát “We Can Achieve” (bài hát với nhiều điểm tương đồng nổi bật) tuyên bố là ‘đạo nhái’ bài hát của mình.

Tranh chấp bản quyền quốc ca ở các nước trên thế giới

Ông khẳng định rằng mình đã tạo nên bài “We can Achieve” trước năm 1983 và qua đó, ngầm tuyên bố rằng thực chất ái quốc ca “Count on Me, Singapore” là bài hát đạo nhái của ông, chứ không phải ngược lại.

Tìm hiểu kĩ về vụ tranh chấp này tại đây.

Dẫu rằng cuối cùng Joseph Mendoza không thể chứng minh được điều gì và rút lại các cáo buộc của mình nhưng vụ lùm xùm này cũng khiến bản nhạc “Count on Me, Singapore” thuộc sở hữu toàn dân của Singapore có nguy cơ bị đánh tác quyền trên các nền tảng mạng xã hội như YouTube, giống Việt Nam gần đây với bài hát “Tiến Quân Ca”.

Ranh giới bản quyền quốc ca

Để giải quyết câu chuyện bản quyền phức tạp liên quan đến quốc ca và các bài hát quốc gia, ta cần phải làm rõ ranh giới bản quyền quốc ca.

Qua đó, chính phủ các nước nên chủ động tổ chức thu âm và đăng ký bản quyền rồi đưa vào kho lưu trữ công cộng. Những tổ chức, cá nhân có nhu cầu sử dụng quốc ca có thể tìm đến các nền tảng số do chính phủ quản lý hoặc liên hệ cơ quan chuyên trách để tải về.

Mô hình này được chính phủ Australia áp dụng với bản nhạc “Advance Australia Fair”, được chọn làm quốc thiều vào năm 1984 và lời được soạn thảo bởi Hội đồng Quốc khánh Australia (bài hát được điều chỉnh lời vào ngày 1/1). Chính phủ Australia giữ bản quyền phần lời bài hát và một số bản trình diễn, được lưu trữ trên cổng thông tin chính phủ cho toàn dân tiếp cận và sử dụng.

Bất kì tổ chức hay cá nhân nào sử dụng quốc ca Australia vì mục đích thương mại cần xin phép chính phủ nước này và các đơn xin phép phải được gửi về Văn phòng Thủ tướng và Nội các Australia.

Hoặc, giống như với bên Mỹ thì các tổ chức cũng có thể tự tổ chức trình diễn, thu âm quốc ca để có quyền sử dụng bản ghi đó, tránh mọi vấn đề bản quyền có thể xảy đến.