NFT hiện đang trở thành một trong những chủ đề hot nhất trên thế giới. NFT, viết tắt cho Non-fungible token (tài sản không thể thay thế), là một đơn vị dữ liệu trên sổ cái kỹ thuật số blockchain. Nói một cách dễ hiểu, nó là một loại tài sản số hiện diện trên một chuỗi số blockchain. Blockchain này có nhiệm vụ như một sổ cái đảm bảo tính xác thực của tài sản lẫn chủ sở hữu. Chính vì tính bảo mật cao như vậy của NFT mà hàng triệu triệu người trên khắp thế giới đổ xô tiến vào thế giới mã hóa với tiềm năng vô hạn này. Tuy nhiên, cũng vì thế giới NFT đang dần phát triển với tốc độ quá nhanh, dẫn đến sự mất kiểm soát chặt chẽ nên các vấn nạn về bản quyền, copyright trên nền tảng này cũng đang ngày một nhiều hơn.
Dẫu NFT đang ngày càng trở nên phổ biến, tạo nên tác dụng kích thích kinh tế và hội nhập quốc tế nhất định, tuy nhiên, ta không thể chỉ vì các cái lợi trước mắt mà bỏ qua đi quyền lợi của một nhóm nhỏ các tác giả, người sáng tạo trong xã hội được.
Bởi lẽ, với các tác phẩm NFT tràn lan, nhiều lúc có người dùng sẽ sử dụng hình ảnh, video, tranh vẽ, video,… của các người sáng tạo khác và mã số hóa chúng thành tài sản NFT rồi rao bán trên mạng.
Việc thu lời trên tài sản trí tuệ của người khác mà không xin phép chủ sở hữu chắc chắn là một hành vi vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, chính vì hiện tại chưa có quy định hoặc các bộ luật cụ thể nào để chế tài hành vi này, cộng thêm tâm lý chung của người dùng trên xã hội và cả các nền tảng NFT là không quan tâm đến xuất xứ của tác phẩm mà chỉ quan tâm đến bản thân tác phẩm, nên tình trạng vi phạm bản quyền này vẫn diễn ra thường xuyên.
Một nguyên nhân quan trọng khác nữa ảnh hưởng đến việc xác định quyền, ai đúng ai sai khi tranh chấp xảy ra chính là về quy định ‘quyền sở hữu’ của NFT.
Quyền sở hữu NFT và quyền sở hữu tài sản trí tuệ
Một nguyên tắc quan trọng khi giao dịch NFT là người mua tài sản NFT sẽ có toàn quyền sở hữu độc quyền đối với sản phẩm NFT mã hóa đó, được đảm bảo và chứng nhận bởi chuỗi mã blockchain.
Tuy nhiên, như đã nhắc đến ở trên, nếu một cá nhân, tổ chức sử dụng các tác phẩm ở thế giới thực để tạo ra phiên bản mã hóa NFT của nó rồi rao bán, liệu người mua có trở thành chủ sở hữu của tác phẩm đó trên thế giới ảo và thế giới thực không?
Nếu không thì quyền sở hữu độc quyền NFT lại được hiểu như thế nào?
Hiển nhiên rằng với công nghệ và quy định hiện tại thì không có lí do nào mà chủ sở hữu một bức tranh ở thế giới thực sẽ mất đi quyền sở hữu của nó nếu một bên thứ ba mua tác phẩm NFT từ một bên thứ ba khác đạo nhái và mã hóa sản phẩm của họ.
Dẫu vậy, không phải ai cũng hiểu được điều này. Hiện nay, hầu hết người dùng NFT đều là thế hệ trẻ, chính vì vậy mà phần lớn họ sẽ không quan tâm đến rắc rối về bản quyền đứng sau hành động mua bán của họ.
Họ sẽ chỉ hiểu rằng họ đã có quyền sở hữu độc quyền đối với tài sản NFT, chính vì vậy mà họ sẽ có quyền sửa, mua bán tài sản NFT đó, thậm chí họ có thể nghĩ rằng họ có quyền mang tài sản đó ra thế giới thực và thực hiện quyền mua bán, kiếm lời từ sản phẩm NFT đó bởi vì họ có ‘quyền độc quyền sở hữu’.
Các vụ vi phạm bản quyền NFT trên thế giới
Trên thế giới hiện đang có rất nhiều vụ vi phạm bản quyền NFT, ví dụ như vụ việc “Non-Fungible Olive Gardens”.
Hai nghệ sĩ Brian Moore và Mike Lacher đã công bố tác phẩm “Non-Fungible Olive Gardens” cuối năm 2021. Bộ sưu tập gồm các hình ảnh của nhà hàng Olive Garden được mã hóa. Theo mô tả của dự án, mỗi NFT đại diện cho một trong số 880 chi nhánh của chuỗi nhà hàng này tại Mỹ.
Hai nghệ sĩ còn xây dựng cộng đồng những người yêu thích Olive Garden và tạo cả nhóm Discord, nơi người tham gia giả vờ như đang ăn tối tại nhà hàng này.
Tuy nhiên, sự thật là dự án này hoàn toàn không liên quan đến chuỗi nhà hàng này mà hoàn toàn là do bên thứ ba nhằm mưu đồ chuộc lợi từ danh tiếng của họ.
Mười ngày sau khi bộ sưu tập được công bố, đại diện Olive Garden cho biết dự án này hoàn toàn không liên quan đến họ. Ngày 30/12/2021, chủ sở hữu chuỗi nhà hàng gửi yêu cầu gỡ bỏ bộ sưu tập đến OpenSea – sàn giao dịch NFT đang bán dự án “Non-Fungible Olive Gardens”.
Ngay sau đó, OpenSea xóa tài khoản của người bán và gỡ tác phẩm.
Tuy nhiên, có thể thấy sau vụ việc rằng OpenSea nói riêng và các sàn giao dịch NFT khác nói chung hiện vẫn chưa hề có sự kiểm duyệt đối với các nội dung được rao bán trên nền tảng họ. Có thể hiểu được đối với các giao dịch nhỏ lẻ nhưng một tác phẩm lớn như “Non-Fungible Olive Gardens” cũng không được kiểm duyệt mà phải chờ đến khi chủ sở hữu yêu cầu thì mới có động thái, chứng tỏ rằng các sàn giao dịch này vẫn chưa có cơ chế phù hợp để giải quyết các tình trạng này.
Hiện chưa rõ liệu Olive Garden có thực hiện hành động pháp lý nào để ngăn các dự án NFT sử dụng thương hiệu và hình ảnh sản phẩm của họ, hay liệu họ có dự định nào để ngăn ngừa việc như vậy hoàn toàn không xảy ra trong tương lai hay không.
Tuy nhiên, ta có thể khẳng đinh rằng những tranh chấp thế này được nhận định chỉ là thách thức ban đầu khi thế giới dần tiến đến thời đại metaverse và công nghệ blockchain.
Ở một diễn biến khác, Aja Trier, một hoạ sĩ sống tại thành phố San Antonio, Texas, vốn đã quá quen thuộc với việc tác phẩm của mình bị đánh cắp. Cô cho biết rằng trong thế giới thực, cô không thể nào ngăn chặn được hoàn toàn việc đạo nhái và lợi dụng thương hiệu bởi chúng diễn ra trên quy mô quá lớn, quá rộng. Được biết, các bức tranh của cô đã xuất hiện mà không hề có sự đồng ý của cô trên áo phông, ốp lưng điện thoại và những nơi khác nhằm thu lợi bất chính.
Tuy nhiên, điều mà Trier không thể tưởng được rằng giờ đây các tác phẩm của cô cũng sẽ bị đạo nhái trên một nền tảng xã hội hoàn toàn mới – NFT.
Cụ thể, vào 4/1, khi Trier mở email, hàng loạt cảnh báo về tác phẩm của cô xuất hiện tràn lan: Những bức tranh nổi tiếng theo phong cách Vincent Van Gogh của cô đã được chuyển thành gần 86.000 NFT và bán trên nền tảng OpenSea.
Trier trả lời The Verge: “Tôi đã thấy các nghệ sĩ khác bị ăn cắp tác phẩm và bán dưới dạng NFT, nhưng không tới mức như trường hợp của tôi. Nhiều người cũng nói với tôi rằng họ chưa bao giờ thấy quy mô ăn cắp bản quyền lớn như vậy”
Trier nói cô không hề biết tác phẩm của mình được chuyển thành NFT và bán với giá từ 0,003 ETH, tương đương 10 USD cho mỗi NFT.
Ngay lập tức, cô cùng với sự giúp đỡ của các họa sĩ khác đã khiếu nại lên sàn giao dịch này và mong muốn gỡ bỏ các tác phẩm, tài khoản giả mạo thu lời bất chính kia và đưa ra hình phạt và phản hồi thích đáng.
Tuy nhiên, các biện pháp xử lý của OpenSea đã khiến Trier thất vọng và cô đã ngừng khiếu nại bởi lẽ cô không tin tưởng về tiêu chí bảo vệ chủ nhân thật sự của tác phẩm nghệ thuật của nền tảng này nữa.
Trier nói: “OpenSea đang nguỵ tạo mọi thứ trên nền tảng. Trên OpenSea, đó là miền Tây hoang dã (Wild West).”
Liệu NFT có giúp bảo hộ bản quyền?
Dẫu rằng NFT hiện vẫn còn nhiều lỗ hổng pháp lý, tuy nhiên, nhìn chung, NFT nổi tiếng như vậy không phải vì không có lí do. Nếu bỏ ngoài việc các bên thứ 3 đạo nhái tác phẩm thế giới thực vào NFT thì các nền tảng NFT lại có một sự bảo hộ cực kì chặt chẽ đối với các tác phẩm gốc được sáng tạo mà mã hóa ngay trên chính các nền tảng này, nghĩa là chưa hề có bất kì phiên bản nào của nó trước đó ở thế giới thực.
Một người có thể tạo ra các NFT từ các sản phẩm kỹ thuật số, bán nó và thu lời từ các sản phẩm đó. Các hoạt động, giao dịch, chuyển nhượng đối với NFT đều được ghi lại trên một sổ cái công khai và phi tập trung. Qua đó, bất kỳ ai cũng có thể xác minh, truy xuất nguồn gốc và quyền sở hữu của tài sản, nhờ đó tránh được việc đạo nhái, làm giả, hay việc bỗng dưng tác giả bị “đánh gậy bản quyền” một bên nào đó.
Chính vì vậy mà ta có thể rút ra kết luận: NFT có rất nhiều tiềm năng phát triển, tuy nhiên, nó vẫn chưa đạt đến mức độ minh bạch hoàn toàn và vẫn cần rất nhiều sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện để giải quyết hoàn toàn mọi tranh chấp giữa chủ sở hữu quyền, người sáng tạo và các người dùng NFT.