Sự ra đời của Metaverse đã tạo nên viễn cảnh về tương lai nơi mọi người có thể sử dụng tai nghe, kính thực tế ảo để tham gia nhiều hoạt động khác nhau.

Công nghệ thực tế ảo, Thực tế ảo tăng cường và Blockchain có đóng góp không nhỏ cho sự phát triển của Metaverse. Metaverse đã nổi lên như một trong năm xu hướng và công nghệ mới nổi hàng đầu cho năm 2022 và có thể có giá trị lên tới 800 tỷ đô la vào năm 2024. Metaverse đang dần xuất hiện và thể hiện tầm quan trọng trong một số lĩnh vực như chăm sóc sức khỏe, luật pháp, kinh doanh và thể thao. Metaverse cũng đã mở ra những cơ hội không nhỏ cho các nhà thiết kế thời trang cũng như các thương hiệu thời trang lớn.

Môi trường kỹ thuật số đa dạng của metaverse cũng đã tạo nên một số vấn đề, bao gồm quyền sở hữu tài sản sở hữu trí tuệ đối với các loại hàng hóa và tài liệu ảo, cũng như việc thực thi quyền SHTT trong trường hợp vi phạm hay tranh chấp. Bài viết này sẽ cung cấp một số thông tin về sự phát triển của ngành thời trang trong Metaverse với NFT và các công nghệ như Thực tế ảo và thực tế ảo tăng cường.

Lĩnh vực thời trang kỹ thuật số

Văn hóa liên quan đến việc sáng tạo, thu thập và sở hữu những món đồ thời trang trong lĩnh vực kỹ thuật số được gọi là “thời trang kỹ thuật số”. Tiềm năng to lớn của lĩnh vực thời trang kỹ thuật số đang được đón nhận bởi những nhà sáng tạo độc lập và các thương hiệu nổi bật như sự thích nghi với những tiến bộ của công nghệ.

Ý tưởng về thời trang kỹ thuật số đã được bắt đầu từ các trò chơi điện tử, tuy nhiên, các công nghệ như Metaverse đã nâng tầm thời trang kỹ thuật số. Các nhà phát triển game đã nhận thấy rằng các game thủ không ngần ngại mua quần áo, các loại phụ kiện và trang phục cho nhân vật của họ mặc dù chúng không ảnh hưởng đến trò chơi, do đó, nhiều khả năng họ cũng sẽ đầu tư vào quần áo kỹ thuật số.

Với sự ra đời của NFT, cho phép các nhà thiết kế thời trang đăng ký thời trang kỹ thuật số ở một định dạng duy nhất, hay blockchain. Điều này đánh dấu bước đệm đầu tiên hướng tới việc tạo ra một Metaverse thực sự cho ngành công nghiệp thời trang.

Lợi ích của Thời trang kỹ thuật số

Thân thiện với môi trường

Bạn có biết, ngành công nghiệp thời trang đã tạo ra khoảng 10% tổng lượng phát thải khí nhà kính. Điều này đã khiến ngành công nghiệp thời trang trở thành ngành công nghiệp đứng thứ 2 trong việc tiêu thụ và gây ra ô nhiễm nước. Với sự xuất hiện của thời trang kỹ thuật số, lượng ô nhiễm không khí và lãng phí nước có thể giảm đáng kể vì lượng khí thải carbon trong quá trình sản xuất thời trang kỹ thuật số ít hơn khoảng 95% so với quá trình sản xuất quần áo thực tế. Hơn nữa, đây cũng là một lựa chọn bền vững vì không có sự lãng phí các mặt hàng dệt may hoặc các nguyên liệu thô khác liên quan đến việc sản xuất các mặt hàng may mặc thực tế.

Giảm chi phí và thời gian sản xuất

Các thương hiệu thời trang có thể giảm thiểu chi phí sản xuất nếu họ chọn mở rộng phạm vi kinh doanh sang không gian kỹ thuật số, vì không gian này không yêu cầu bất kỳ chi phí sản xuất, chi phí hậu cần hoặc chi phí lưu trữ nào.

Ngoài ra, quá trình đổi mới kỹ thuật số tiêu tốn ít thời gian hơn so với quá trình thiết kế và sản xuất thực tế.

Sở hữu trí tuệ và Metaverse

Nhiều công ty thời trang đang tham gia vào lĩnh vực NFTs và Metaverse. Trong một số trường hợp nhất định, NFT được bán đấu giá cùng với một số mặt hàng thời trang cao cấp với giá cao hơn đáng kể so với giá trị được trả cho các sản phẩm ban đầu. NFT có thể hỗ trợ chủ sở hữu thương hiệu trong việc ngăn chặn hàng giả, bằng cách mở rộng khả năng nhúng NFT vào các sản phẩm thực tế, sau đó đó chúng có thể được quét để xác nhận hàng thật.

Bản quyền và Metaverse

Định nghĩa pháp lý về bản quyền đối với các tài sản kỹ thuật số như NFT vẫn chưa được quy định và công nhận. Điều này gây ra sự mơ hồ hay tranh chấp giữa những người sáng tạo và các thương hiệu. Trên không gian kỹ thuật số như Metaverse, các cá nhân khó có thể lấy lại tiền của họ qua blockchain khi họ bị lừa hay mua phải tác phẩm giả mạo, bên cạnh đó, họ cũng không thể gửi đơn khiếu nại vì các giao dịch của họ là giao dịch một chiều.

Quyền sở hữu trong metaverse cũng giống như một hình thức cấp phép hay cung cấp dịch vụ. Khái niệm Quyền sở hữu khá phức tạp trong metaverse. Năm ngoái, Nike đã đăng ký 7 nhãn hiệu trước khi gia nhập Metaverse. Đơn đăng ký nhãn hiệu bao gồm các hàng hóa ảo có thể tải xuống, hàng hóa ảo có thể mua được trong các cửa hàng cũng như quần áo và giày dép ảo có thể mặc trong thế giới ảo. Quyền sở hữu một phần tài sản có thể được bắt nguồn từ tài sản đó trong thế giới thực. Trong khi một cá nhân có thể sở hữu tài sản thực có thể so sánh với tài sản kỹ thuật số trong Metaverse, thì người khác cũng có thể sở hữu những tài sản kỹ thuật số tương ứng.

Nhãn hiệu và Metaverse

Nhãn hiệu là một loại tài sản Sở hữu trí tuệ giúp phân biệt hàng hóa và dịch vụ của một doanh nghiệp với hàng hóa và dịch vụ của các doanh nghiệp khác. Nhãn hiệu giúp tạo dựng niềm tin của khách hàng đối với doanh nghiệp. Khi một nhãn hiệu được bảo hộ, bên thứ ba sẽ không thể sử dụng nhãn hiệu giống hoặc tương tự với nhãn hiệu đã được bảo hộ, vì điều này có thể sẽ gây ra sự nhầm lẫn cho khách hàng hay làm suy giảm uy tín và tính xác thực của hàng hoá hoặc dịch vụ mang nhãn hiệu đã được đăng ký bảo hộ.

Những vấn đề pháp lý với Metaverse

Việc xác định chủ sở hữu của sản phẩm được bảo vệ trong metaverse sẽ là một thách thức lớn. Hoạt động này sẽ yêu cầu việc xem xét các quy định khác nhau từ nhiều khu vực pháp lý trên khắp thế giới. Các thỏa thuận chuyển nhượng và cấp phép sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc điều chỉnh các quy định về Metaverse. Việc xác định các quyền của người dùng sẽ là rất cần thiết vì quyền khai thác một tác phẩm trong metaverse không hoàn toàn nằm trong phạm vi sử dụng kỹ thuật số thường được đề cập trong các thỏa thuận. Điều quan trọng là các thương hiệu thời trang và nhà thiết kế thời trang phải xác định được tất cả các điều khoản và điều kiện, cụ thể là các điều khoản về quyền sở hữu và kiểm soát quyền SHTT của Metaverse trước khi họ mở rộng hoạt động kinh doanh của mình.

Trong khi Metaverse đang cung cấp cho các nhà thiết kế thời trang, thương hiệu thời trang và các nghệ sĩ độc lập những cơ hội phát triển mới, vấn đề bảo vệ tài sản vô hình trên Metaverse vẫn còn chưa được làm rõ. Metaverse được xây dựng dựa trên khái niệm phân quyền, tuy nhiên, cơ chế Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ hiện tại dựa trên các phương pháp tập trung như tòa án và hội đồng xét xử. Do đó, khía cạnh này cần được xem xét và pháp luật hiện hành nên được chỉnh sửa lại để phù hợp hơn với lĩnh vực mới trên.