Trong thời gian gần đây, trên các mạng xã hội nổi tại Việt Nam như Tiktok, Facebook, cộng đồng mạng đang có nhiều bài đăng, ‘bóc phốt’ công dụng của loại tương ớt mới nổi Bye Béo với giá thành rất cao. Vậy, liệu ngoài nghi vấn về công năng như quảng cáo là bye béo thì loại tương ớt đắt tiền này có vi phạm các quy định khác về pháp luật không?

Theo thông tin trên trang chủ cửa hàng, Bye Béo Shop cho biết họ đã nghiên cứu để mang đến sản phẩm Tương ớt Bye Béo, nằm trong hệ sinh thái “Bye Béo từ bếp”. Tương ớt Bye Béo được làm hoàn toàn từ ớt lên men tự nhiên, có vị cay nồng, hơi chua nhẹ với hi vọng giúp bữa ăn của người dùng ngon miệng và đậm đà hương vị mà vẫn đảm bảo sức khỏe, và mục tiêu giảm cân.

Dẫu được nhấn mạnh qua thương hiệu và giới thiệu sản phẩm về công dụng tốt cho sức khỏe, có khả năng giúp người dùng giảm cân, sau khi dùng thử, nhiều người dùng tại Việt Nam đã lên tiếng về công dụng này và bày tỏ sự không hài lòng của mình.

Cụ thể, họ cho biết rằng họ không hề nhận thấy tác dụng như mô tả sau khi sử dụng tương ớt Bye Béo. Ngoài ra, việc liên tục sử dụng tương ớt Bye Béo trong thời gian ngắn cũng là điều không khả thi vì theo văn hóa ăn uống của người Việt Nam, việc sử dụng tương ớt chỉ dành cho các món ăn cần đến loại nước chấm này, khác với văn hóa của các nước phương Tây khi tương ớt, tương cà, tương mayonnaise được sử dụng thường xuyên.

Loại nước chấm được sử dụng nhiều nhất trong các bữa ăn gia đình của người Việt Nam là nước mắm, và xếp sau đó có thể là nước tương. Qua đó, khó có thể có ý kiến nào chuẩn xác về công dụng của Bye Béo theo như mô tả.

Sai phạm với pháp luật về nhãn hiệu tại Việt Nam?

Theo tra cứu, hiện Cục Sở hữu trí tuệ có thông tin về việc một bên đã nộp đơn đăng ký nhãn hiệu cho cụm từ ‘Bye Béo’. Chủ đơn là Phạm Minh Hiền. Hiện đơn đăng ký này chỉ có quyết định chấp nhận đơn mà không có thông tin cập nhật nào khác, dù đã có ngày nộp đơn từ 2021.

Không rõ đơn đăng ký nhãn hiệu này có liên hệ gì với loại tương ớt bye béo đang được lưu hành trên thị trường hay không nhưng có một số điểm khác biệt nhất định.

Điển hình là thay vì màu sắc chủ đạo là màu đỏ tương ứng với các loại ớt được sử dụng làm nguyên liệu, nhãn hiệu Bye Béo có mẫu nhãn làm từ màu xanh dương, trắng hoàn toàn đối ngược với màu sắc mà người tiêu dùng sẽ liên tưởng đến một loại tương ớt.

Ngoài ra, kiểu chữ giữa 2 loại nhãn hiệu cũng có sự khác biệt nhất định.

Nếu doanh nghiệp sản xuất tương ớt muốn đăng ký nhãn hiệu cho loại sản phẩm này, họ có thể đối diện với một số thách thức như sự tương đồng với nhãn hiệu bên trên có ngày nộp đơn sớm hơn. Thêm vào đó, họ cũng cần chứng minh công dụng giảm cân, ‘bye béo’ theo như mô tả. Hiện, doanh nghiệp này chưa đưa ra chứng cứ xác thực nào về khả năng giảm cân của loại tương ớt này.

Theo quy định tại khoản 5 Điều 73 Luật Sở hữu trí tuệ 2022, doanh nghiệp không được đặt tên nhãn hiệu có dấu hiệu làm hiểu sai lệch, gây nhầm lẫn hoặc có tính chất lừa dối người tiêu dùng về nguồn gốc xuất xứ, tính năng, công dụng, chất lượng, giá trị hoặc các đặc tính khác của hàng hoá, dịch vụ.