Đã hơn sáu năm kể từ khi Anthony Bourdain tự kết liễu đời mình tại Khách sạn Le Chambard Alsace ở Kaysersberg-Vignoble, Pháp, vào ngày 8 tháng 6 năm 2018. Sau khi Bourdain qua đời, những tác phẩm tưởng nhớ về cuộc đời và công việc của ông liên tục được xuất bản, tôn vinh những cống hiến của ông trong lĩnh vực ẩm thực và du lịch. Đối với những người ngưỡng mộ Bourdain, 8 tập phim tài liệu tại Việt Nam trong show truyền hình của ông luôn mang đến những chuyến phiêu lưu hấp dẫn, phong phú trải nghiệm, quyến rũ và đầy cảm động.

Bourdain và tình yêu với Việt Nam

Những sản phẩm của Anthony Bourdain đã gây được tiếng vang trên toàn cầu, nhưng mối liên hệ của ông với Việt Nam lại trở nên nổi bật hơn cả. Thông qua những chuyến đi và những tập phim tài liệu, tình yêu ẩm thực cũng như sự trân trọng sâu sắc của Bourdain đối với văn hóa và con người Việt Nam đã tạo nên sự gắn kết đặc biệt đối với nhiều người xem. Tại Việt Nam, Bourdain là nhân vật nổi tiếng và được kính trọng. Những nỗ lực chân thành của ông trong việc tìm hiểu và tôn vinh di sản Việt càng khiến hình ảnh Bourdain được quý mến hơn.

Bourdain từng mô tả Việt Nam là “một trong những điểm đến yêu thích nhất của tôi”, “điểm đến trong mơ của tôi, ngôi nhà tinh thần của tôi” và “mối tình đầu của tôi”. Sự quý trọng của ông đối với cuộc sống thường ngày của người Việt và vẻ đẹp lạ kỳ của Việt Nam là điều khán giả có thể cảm nhận được qua từng tập phim. Thông qua công việc của mình, ông đã trở thành đại sứ không chính thức của Việt Nam. Bằng cách giới thiệu hình ảnh Việt Nam vô cùng tích cực và đầy sắc thái, Bourdain đã truyền cảm hứng cho vô số du khách đến khám phá những khu chợ đường phố sôi động, giao lưu với người dân địa phương và trải nghiệm nền văn hóa phong phú nhưng đầy phức tạp của Việt Nam.

Người đàn ông tuyệt vời ngồi trên chiếc ghế nhựa thấp, với bát bún chả và chai bia Hà Nội – Tony sẽ luôn được nhớ đến như vậy.

Tranh cãi liên quan đến bộ phim tài liệu về cuộc đời của Anthony Bourdain

Trong số những tác phẩm tưởng nhớ về cuộc đời và cống hiến của Anthony Bourdain, bộ phim tài liệu “Roadrunner: A Film About Anthony Bourdain” đã dấy lên những tranh cãi liên quan đến việc sử dụng trí tuệ nhân tạo để mô phỏng giọng nói của Bourdain. Nhà làm phim Morgan Neville thừa nhận đã sử dụng AI để tạo ra giọng nói của Bourdain trong một vài phân đoạn. Đây là tiết lộ gây sốc với người yêu mến Anthony Bourdain, những người cảm thấy khó chịu trước việc giọng nói của Bourdain bị khai thác sau khi ông mất.

Cuộc tranh cãi này đã làm nổi bật một vấn đề trong thể loại phim tài liệu. Phim tài liệu thường là những tác phẩm thể hiện thực tế hiện thực, nhưng ranh giới giữa sự thật và việc kể chuyện sáng tạo là rất mong manh trong thể loại này. Không giống như báo chí, phim tài liệu có thể sử dụng các kỹ thuật đặc biệt để mang đến nhiều cảm xúc cho người xem, nhưng việc này đôi khi lại bẻ cong sự thật. Theo đó, vụ việc của bộ phim tài liệu “Roadrunner” đã nhấn mạnh tầm quan trọng của sự minh bạch trong quá trình làm phim, đặc biệt là trong phim tài liệu, khi niềm tin của khán giả là điều tối quan trọng.

Cuối cùng, di sản của Anthony Bourdain vẫn được thể hiện qua giá trị văn hóa sâu sắc và cách kể chuyện đầy sắc thái trong những sản phẩm của ông. Tình yêu của ông và khả năng truyền tải vẻ đẹp cũng như sự phong phú của Việt Nam tới khán giả toàn cầu đã để lại dấu ấn khó phai mờ trong tâm trí người hâm mộ. Hơn sáu năm sau khi Anthony Bourdain qua đời, ông vẫn để lại những ảnh hưởng sâu rộng trong lĩnh vực ẩm thực, du lịch và văn hóa. Những nỗ lực của Bourdain vẫn sẽ tiếp tục truyền cảm hứng, thách thức và nhắc nhở chúng ta về sức mạnh của sự kết nối chân thành, bất kể màu da, sắc tộc hay tôn giáo.