Mới đây, một nữ tiến sĩ trẻ gốc Việt tên Lê Thị Phương đã được trao giải Quả cầu vàng 2022 cho sáng chế hydrogel có khả năng thúc đẩy quá trình biệt hóa xương, được ứng dụng trong điều trị bệnh xương khớp tại Việt Nam.

Quả cầu vàng 2022 là Giải thưởng do Bộ Khoa học và Công nghệ, Trung ương Đoàn trao tặng cho các cá nhân xuất sắc không quá 35 tuổi trên 5 lĩnh vực: công nghệ thông tin – chuyển đổi số và tự động hóa, công nghệ y – dược, công nghệ sinh học, công nghệ môi trường, công nghệ vật liệu mới.

Giải Quả cầu vàng 2022 vinh danh 10 gương mặt xuất sắc đến từ các viện nghiên cứu, trường đại học danh tiếng trong nước, những tài năng trẻ người Việt đang học tập và làm việc tại nước ngoài. Mỗi cá nhân đoạt giải thưởng sẽ nhận cúp Quả cầu vàng, giấy chứng nhận đoạt giải thưởng và huy hiệu “Tuổi trẻ sáng tạo” của Trung ương Đoàn cùng tiền thưởng.

Trong lễ trao giải Quả cầu vàng 2022, Tiến sĩ Lê Thị Phương 34 tuổi ở Viện Khoa học – Vật liệu ứng dụng, Viện hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam được vinh danh là một trong mười nhà khoa học trẻ nhận giải thưởng.

Tiến sĩ Phương được trao giải trong lĩnh vực công nghệ vật liệu mới. Đứng song hành cùng cô trong lễ trao giải là Tiến sĩ Trần Thị Như Hoa, 33 tuổi, khoa khoa học vật liệu, Trường đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia TP.HCM.

Với hơn 10 năm hoạt động và làm việc, tiến sĩ Phương đã sở hữu 2 bằng độc quyền sáng chế quốc tế, 3 bằng độc quyền sáng chế quốc gia và hàng chục bài báo công bố quốc tế. Các nghiên cứu đã công bố của cô bao gồm phát triển, sáng tạo hydrogel, hạt cấu trúc nano hỗ trợ cho quá trình chữa trị các loại bệnh như chấn thương mô mềm (chảy máu, bỏng da, đứt tay,…), gãy xương, ung thư, tiểu đường…

TS Lê Thị Phương được vinh danh tại giải thưởng Quả cầu Vàng 2022. Ảnh:Tùng Đinh/VnExpress

Vật liệu hydrogel là nghiên cứu đầu tiên trong lĩnh vực hydrogel tiêm không sử dụng H2O2 do TS Phương thực hiện. Vật liệu này có nhiều tác dụng như kháng khuẩn, thúc đẩy quá trình biệt hóa xương, có thể ứng dụng nhiều trong tái tạo mô hoặc điều trị các bệnh liên quan đến xương khớp.

TS Phương sử dụng các polymer có nguồn gốc từ thiên nhiên như gelatin, chitosan, alginate… kết hợp với calcium peroxide (CaO2) như một tác nhân sản sinh H2O2 giúp thúc đẩy quá trình tạo gel xúc tác bởi enzyme HRP, đồng thời tăng cường các hoạt tính sinh học của hệ hydrogel. Theo đó, các đặc tính cơ lý của hydrogel như tốc độ gel hóa, độ bền cơ học, thời gian phân hủy… dễ dàng được điều chỉnh thông qua hàm lượng CaO2, tạo ra hệ hydrogel có tính kết dính cao, ức chế sự phát triển của vi khuẩn E. coli và S. aureuse, đồng thời thúc đẩy sự tăng sinh và biệt hóa thành tế bào xương của tế bào gốc trung mô.

Mục tiêu chính của nhóm Tiến sĩ Phương là tạo ra sản phẩm y tế thương mại có thể chữa lành vết thương nhanh chóng, hiệu quả, giá thành hợp lý, giúp chăm sóc sức khỏe của bệnh nhân kịp thời. Hiện nay, nhóm nghiên cứu đang tiến hành thử nghiệm trên một số mô hình động vật để tiến tới thí nghiệm trên lâm sàng trên người.

(Theo VnExpress/Tuoitre)