Nếu không đồng tình với quyết định nào của Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam, các bên liên quan đến quyết định có thể nộp đơn khiếu nại quyết định đó dựa theo trình tự, thủ tục quy định tại Luật Sở hữu trí tuệ và các văn bản pháp luật liên quan.
Quyền khiếu nại quyết định của Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam
Khoản 1 Điều 119a Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2022 bổ sung sau Điều 119 trong Mục 3 Chương VIII Luật Sở hữu trí tuệ 2005 quy định rằng người nộp đơn và tổ chức, cá nhân có quyền, lợi ích liên quan trực tiếp đến quyết định hoặc thông báo liên quan đến việc xử lý đơn đăng ký xác lập quyền, duy trì, gia hạn, sửa đổi, chấm dứt, hủy bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ sở hữu công nghiệp, đăng ký hợp đồng chuyển giao quyền sở hữu công nghiệp do cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp ban hành có quyền khiếu nại với cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp hoặc khởi kiện tại Tòa án theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Theo đó, vấn đề liên quan đến quyết định, thông báo xử lý đơn đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp bao gồm duy trì, gia hạn, sửa đổi, chấm dứt, hủy bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ sở hữu công nghiệp, đăng ký hợp đồng chuyển giao quyền sở hữu công nghiệp là các vấn đề có thể được khiếu nại lên cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp.
Trong đó, nếu bên khiếu kiện là cá nhân, tổ chức không cư trú tại Việt Nam, họ sẽ cần nộp đơn khiếu kiện thông qua đại diện hợp pháp tại VIệt Nam.
Hồ sơ khiếu nại
Khoản 3 Điều 119a Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2022 liệt kê các tài liệu cần trong hồ sơ khiếu nại bao gồm
- Họ và tên, địa chỉ của người khiếu nại;
- Số, ngày ký, nội dung quyết định hoặc thông báo bị khiếu nại;
- Nội dung khiếu nại, lập luận, dẫn chứng chứng minh cho khiếu nại;
- Đề nghị cụ thể về việc sửa chữa hoặc hủy bỏ quyết định hoặc thông báo liên quan.
Đơn khiếu nại được nộp dưới hình thức văn bản giấy hoặc dạng điện tử theo hệ thống nộp đơn trực tuyến.
Thời hạn giải quyết khiếu nại
Điều 9 Luật Khiếu nại 2011 quy định rằng thời hiệu khiếu nại lần đầu là 90 ngày kể từ ngày nhận được quyết định hành chính hoặc biết được quyết định hành chính, hành vi hành chính.
Thời hạn thực hiện khiếu nại lần thứ hai là 30 ngày kể từ ngày hết thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu mà khiếu nại đó không được giải quyết hoặc tính từ ngày người có quyền khiếu nại nhận được hoặc biết được quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu.
Trình tự khiếu nại
Đầu tiên, bên liên quan thực hiện khiếu nại lần thứ nhất đến Cục Sở hữu trí tuệ.
Nếu Cục Sở hữu trí tuệ giải quyết khiếu nại không ra kết quả theo ý của bên khiếu nại thì bên khiếu nại có quyền khiếu nại quyết định đó với Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ. Lựa chọn khác là khởi kiện tại tòa án.
Điều 27 Luật Khiếu nại 2011 quy định trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận đơn khiếu nại, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại phải kiểm tra đơn theo các yêu cầu về hình thức và ra thông báo bằng văn bản cho người khiếu nại về việc đơn khiếu nại có được thụ lý hay không. Trong đó phải ghi nhận ngày thụ lý đơn hoặc nêu rõ lý do không thụ lý đơn.
Căn cứ vào lập luận, chứng cứ của bên khiếu nại và bên liên quan, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại phải ra quyết định giải quyết khiếu nại trong thời hạn giải quyết khiếu nại theo quy định của pháp luật về khiếu nại.