Trong thời đại số hóa, việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, đặc biệt là bản quyền tác phẩm, đang trở thành vấn đề nóng được quan tâm hàng đầu. Tuy nhiên, vẫn có nhiều tổ chức, cá nhân vi phạm quy định này một cách cố ý hoặc vô ý, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của chủ sở hữu quyền.

Một trong những trường hợp điển hình gần đây là việc Kênh 14, một nền tảng cung cấp thông tin phổ biến tại Việt Nam được hàng triệu người tin dùng tự ý sử dụng video “Táo quân 2025” của Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) mà không xin phép, đồng thời còn khiếu nại ngược VTV xâm phạm bản quyền video của họ.

Hành động này không chỉ vi phạm pháp luật về sở hữu trí tuệ mà còn gây hoang mang cho khán giả và làm tổn hại đến uy tín của VTV. Chương trình “Gặp nhau cuối năm – Táo quân 2025” là một sản phẩm truyền hình đặc sắc do VTV sản xuất và nắm giữ bản quyền.

Bắt đầu từ năm 2003, Táo quân đã trở thành món ăn tinh thần mỗi dịp Tết Nguyên Đán cho hàng chục triệu người dân Việt Nam, từ trẻ đến già, từ nam đến nữ, không phân biệt độ tuổi, giới tính hay quê quán. Chương trình này có thể được đánh giá là chương trình nổi tiếng nhất tại Việt Nam trong hơn 2 thập kỉ qua, được phần lớn người dân Việt Nam biết đến và hướng tới mỗi dịp cận Tết.

Trong suy nghĩ của nhiều người, không có Táo Quân thì Tết Nguyên Đán như thiếu đi một chút gì đó thân quen, không còn cảm giác trọn vẹn. Điều này đã được chứng minh trong xuân 2020 khi là năm đầu tiên VTV không tổ chức sản xuất chương trình Táo quân, thay vào đó là một chương trình hoàn toàn mới.

Nhận được sự góp ý của người dân, từ năm 2021 trở đi, chương trình Táo Quân – Gặp nhau cuối năm đã lại được phát sóng trở lại với những gương mặt thân quen, cùng dàn diễn viên trẻ tuổi tràn đầy tài năng mới gia nhập làng giải trí.

Với độ nổi tiếng của Táo Quân, nhiều cá nhân, tổ chức đã muốn lợi dụng điều này để quảng bá cho uy tín, sản phẩm hoặc dịch vụ của họ, gây nên thiệt hại lớn cho VTV. Chính vì vậy nên VTV nhiều năm qua đã luôn nỗ lực kiểm soát chặt chẽ những hành vi xâm phạm bản quyền sản phẩm của họ.

Mới nhất, trong năm 2025, thay vì sớm phát lại những chương trình Táo Quân trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Youtube, Tiktok như những năm trước, hoặc cho phép các bên khác công khai phát lại thì VTV hiện tại không đăng lại toàn bộ chương trình, đồng thời quản lí chặt chẽ các clip cắt ghép của các tổ chức khác.

Thay vào một video đầy đủ xấp xỉ 2 tiếng thì sau khi phát sóng, VTV đã đăng tải các trích đoạn hấp dẫn và video tổng hợp trên các nền tảng số của mình, như fanpage VTVgo và VFC, để phục vụ khán giả.

Tuy nhiên, điều đáng chú ý là sớm sau đó, Kênh 14 đã tự ý sử dụng video của VTV “Những câu thoại hay nhức nhối của Táo quân 2025” từ fanpage VTVgo và VFC để đăng tải lại trên fanpage Kenh14.vn mà không có sự đồng ý của VTV. Điều đáng ngạc nhiên hơn là trước khi VTV có động thái gì, Kênh 14 còn khiếu nại bản quyền video này, tức tố VTV là bên xâm phạm bản quyền video của Kênh 14, một hành động gây phản cảm và vi phạm nghiêm trọng.

Theo Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam (sửa đổi năm 2022), các tác phẩm điện ảnh, chương trình truyền hình thuộc quyền sở hữu của cá nhân hoặc tổ chức sản xuất. Việc sử dụng, sao chép, phân phối hoặc đăng tải lại các tác phẩm này mà không có sự cho phép của chủ sở hữu là hành vi xâm phạm bản quyền.

Cụ thể, Kênh 14 đã vi phạm các quy định về sử dụng tác phẩm không có sự đồng ý, khiếu nại bản quyền trái phép, và ảnh hưởng đến uy tín của chủ sở hữu là VTV do khiến người dân thông thường nhầm tưởng rằng họ là chủ sở hữu chính đáng của trích đoạn Táo Quân trên nói riêng và cả chương trình Táo Quân – Gặp nhau cuối năm 2025 nói chung, liên đới đến các phiên bản cũ và cả tương lai.

Hành vi này không chỉ gây hoang mang cho khán giả mà còn làm giảm uy tín của VTV, đồng thời tạo tiền lệ xấu cho việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trong tương lai nếu không được kiểm soát chặt chẽ.

Để ngăn chặn các hành vi vi phạm bản quyền như trên, các cơ quan có thẩm quyền cần xem xét xử lý nghiêm minh bằng cách điều tra và xử phạt Kênh 14 theo quy định của pháp luật, đồng thời yêu cầu gỡ bỏ video vi phạm và công khai xin lỗi VTV.

Bên cạnh đó, ta cũng cần nâng cao nhận thức về quyền sở hữu trí tuệ cho các tổ chức truyền thông và chủ động bảo vệ quyền lợi của chủ sở hữu thông qua việc đăng ký bản quyền và sử dụng công nghệ ngăn chặn sao chép trái phép.

Việc Kênh 14 sử dụng video “Táo quân 2025” của VTV mà không xin phép và khiếu nại bản quyền ngược là hành vi vi  phạm pháp luật nghiêm trọng, cần được lên án và xử lý kịp thời. Đây không chỉ là vấn đề bảo vệ quyền lợi của VTV mà còn là bài học cho các tổ chức truyền thông khác về tầm quan trọng của việc tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ. Chỉ khi các hành vi vi phạm được ngăn chặn triệt để, môi trường sáng tạo và truyền thông mới có thể phát triển lành mạnh và bền vững.

Táo Quân – Gặp nhau cuối năm

Với ý tưởng ban đầu là tạo ra một chương trình nhằm tổng kết lại những sự kiện nổi bật vào dịp cuối năm, các nhà sản xuất ban đầu đã sáng tạo ra chương trình Gặp nhau cuối năm dựa trên thành công trước đó của Gặp nhau cuối tuần.

Vai diễn Bắc Đẩu trong phiên bản Táo Quân do Nghệ sĩ Nhân dân (NSND) Công Lý đề xuất ý tưởng và sau này cũng là người đảm nhận chính suốt các năm kế tiếp. NSND Xuân Bắc từng bày tỏ mong muốn được ghi danh vai Thiên Lôi trong phiên bản, nhưng sau đó đã được phân vào vai Nam Tào.

Các nghệ sĩ tham gia chương trình cố định suốt nhiều năm còn có NSND Quốc Khánh đảm nhận vai Ngọc Hoàng, Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT) Chí Trung thường đảm nhận vai trò Táo Giao Thông, NSƯT Quang Thắng thường đảm nhận vai Táo Kinh Tế, nữ nghệ sĩ Vân Dung thường đảm nhận vai Táo Giáo Dục/Y Tế, NSND Tự Long thường đóng vai Táo liên quan đến các vấn đề xã hội, nổi bật với những bài hát chế hí hỏm, châm biếm.

Trong nhiều năm qua chương trình Táo quân – Gặp nhau cuối năm đã có một số biến đổi trong nhân sự chương trình. Vào năm 2022, nghệ sĩ Công Lý dừng đảm nhận vai Bắc Đẩu vì lý do bệnh tật; Xuân Bắc cũng rút lui theo với tinh thần đã được anh và nghệ sĩ Công Lý đùa nhiều năm qua trong các chương trình Táo quân là Nam Tào và Bắc Đẩu tuy hai mà một, không có một người thì người còn lại cũng không thể bơ vơ một mình, đã thay là thay cả đôi.

Năm 2023, cả hai đã quay trở lại Táo Quân với vai trò cũ, nhưng Công Lý lần này chỉ đóng vai khách mời do bệnh tật hoành hành và góp ba câu thoại ngắn. Trong năm phát sóng Táo Quân Giáp Thìn 2024, toàn bộ dàn diễn viên cố định của chương trình, ngoại trừ Quốc Khánh, đã rút lui khỏi việc tập luyện hàng năm.

Lý do cho quyết định này là bởi kịch bản mới được chấp bút bởi Lê Hoàng – trong đó thay đổi định dạng gốc và có độ khó cao trong việc thể hiện – đã gây nên phản ứng bất bình từ những nghệ sĩ tham gia chương trình. Đây cũng được đánh giá là cơ hội để giới thiệu dàn “Táo mới” trẻ trung thay thế cho các diễn viên gạo cội đã xây dựng được uy tín và sự tin yêu của người dân trong 2 thập kỉ qua.

Năm 2025, tất cả dàn Táo gạo cội đã trở lại, ngoại trừ Công Lý vẫn do bệnh tật quấn thân và Xuân Bắc, hiện đã đảm nhiệm vai trò Cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn.