Báo cáo mới của Hội nghị Liên Hợp Quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) kêu gọi các chính phủ trên toàn cầu đảm bảo thực hiện nhất quán các hiệp định quốc tế về thương mại, sở hữu trí tuệ và biến đổi khí hậu để thu hẹp khoảng cách giữa các quốc gia trong lĩnh vực công nghệ xanh.

Tiềm năng của công nghệ xanh đối với các quốc gia đang phát triển.

Công nghệ xanh là những công nghệ được sử dụng để sản xuất hàng hóa và dịch vụ với lượng phát thải khí thải carbon nhỏ. Những công nghệ đang này đã mang lại cơ hội phát triển kinh tế cho nhiều quốc gia, nhưng một số quốc gia đang phát triển khác nhiều khả năng sẽ bỏ lỡ cơ hội này, trừ khi chính phủ và cộng đồng quốc tế thực hiện những hành động quyết đoán.

Báo cáo Công nghệ và Đổi mới năm 2023 của UNCTAD được công bố vào ngày 16 tháng 3 đã chỉ ra cảnh báo rằng sự bất bình đẳng giữa các quốc gia về kinh tế có nguy cơ gia tăng khi các nước phát triển đã dành được hầu hết mọi lợi ích từ các công nghệ xanh như trí tuệ nhân tạo, Internet và phương tiện sử dụng năng lượng điện.

Tăng trưởng quy mô thị trường, nới rộng khoảng cách công nghệ

Tổng kim ngạch xuất khẩu công nghệ xanh từ các quốc gia phát triển đã tăng từ khoảng 60 tỷ USD năm 2018 lên hơn 156 tỷ USD vào năm 2021. Trong cùng khoảng thời gian này, kim ngạch xuất khẩu công nghệ xạnh từ các quốc gia đang phát triển chỉ tăng từ 57 tỷ USD lên khoảng 75 tỷ USD. Trong ba năm, tỷ trọng xuất khẩu trên toàn cầu của các nước đang phát triển đã giảm từ 48% xuống dưới 33%.

Theo UNCTAD, các quốc gia đang phát triển phải thực hiện những hành động nhanh chóng để có thể tận dụng những cơ hội từ các công nghệ xanh để phát triển nền kinh tế đa dạng và cạnh tranh hơn.

Các quốc gia đang phát triển chưa thực sự sẵn sàng để sử dụng những công nghệ mới

Bên cạnh đó, “chỉ số sẵn sàng về công nghệ mới” trong báo cáo của UNCTAD cho thấy rằng chỉ có một số ít các quốc gia đang phát triển có đủ nguồn lực để tận dụng lợi thế của các công nghệ mới như blockchain, chỉnh sửa gen, công nghệ nano và năng lượng mặt trời.

Các công nghệ xanh mới như xe điện, năng lượng mặt trời và năng lượng gió, và công nghệ hydrogen xanh dự kiến sẽ đạt giá trị thị trường là 2,1 nghìn tỷ đô la vào năm 2030 (gấp bốn lần giá trị hiện tại). Doanh thu của thị trường xe điện cũng được dự báo sẽ tăng gấp năm lần lên tới 824 tỷ đô la vào năm 2030 từ giá trị 163 tỷ đô la hiện nay.

Chỉ số xếp hạng của 166 quốc gia được xác định dựa trên các chỉ số về hoạt động CNTT, nghiên cứu và phát triển, tiềm lực trong lĩnh vực công nghiệp và tài chính. Chỉ số này có thể bị chi phối bởi các nền kinh tế phát triển mạnh như Hoa Kỳ, Thụy Điển, Singapore, Thụy Sĩ và Hà Lan.

Mặc dù các quốc gia đang phát triển thường không được chuẩn bị đầy đủ nguồn lực để sử dụng các công nghệ tiên tiến nhất, nhưng một số nền kinh tế ở Châu Á đã có những thay đổi quan trọng liên quan đến chính sách giúp họ đạt được những thành tựu đáng kể. Theo đó, Ấn Độ vẫn là quốc gia có thành tích vượt trội nhất, xếp ở vị trí 67, cao hơn mong đợi, tiếp theo là Philippines (tăng 54 bậc) và Việt Nam (tăng 44 bậc).

Cần những nỗ lực mạnh mẽ của chính phủ

UNCTAD kêu gọi chính phủ các nước đang phát triển điều chỉnh các chính sách về môi trường, khoa học, công nghệ, đổi mới và công nghiệp cũng như tích cực đầu tư vào các lĩnh vực xanh, để dần dần chuyển nhu cầu của người tiêu dùng sang hàng hóa xanh và thúc đẩy đầu tư vào hoạt động nghiên cứu và phát triển.

Các nước đang phát triển cũng cần khẩn trương nâng cao năng lực kỹ thuật của lực lượng lao động, tăng quy mô đầu tư vào cơ sở hạ tầng CNTT-TT, thu hẹp khoảng cách giữa các doanh nghiệp nhỏ và lớn cũng như giữa các vùng thành thị và nông thôn.