Một số công ty tự gắn mác đầu tư phát triển thương hiệu “Quốc bảo” sâm Ngọc Linh dù không có vùng nguyên liệu vẫn xuất bán hàng loạt sản phẩm mang thương hiệu sâm Ngọc Linh.
Sâm Ngọc Linh được xem là thần dược quý hiếm và tốt cho sức khỏe, vốn sinh trưởng tự nhiên ở khu vực núi Ngọc Linh thuộc địa bàn tỉnh Kon Tum và Quảng Nam. Do là thảo dược quý nên được rất nhiều người tiêu dùng tìm mua. với giá sâm tươi hiện 20-50 triệu đồng/kg, tùy theo độ tuổi, nhiều nông dân là người Xê Đăng và Ca Dong trên đỉnh Ngọc Linh đã thành công với cây sâm Ngọc Linh.
Hiện nay, rất dễ dàng để tìm mua số lượng lớn các loại sâm không phải Ngọc Linh, như vũ điệp, tam thất hoang có xuất xứ từ Trung Quốc và một số tỉnh miền núi phía Bắc, thậm chí ngay tại một tỉnh rất gần Tây Nguyên là Lâm Đồng. Hiện, giá của các loại củ này chỉ khoảng vài ba triệu/mỗi kg, thấp hơn rất nhiều so với sâm Ngọc Linh. Vậy nên, chỉ cần mập mờ gắn mắc “Quốc bảo”, lợi nhuận sẽ là siêu khủng.
Trước mắt, điều này sẽ ảnh hưởng nặng nề đến người trồng sâm chân chính, những người đã dành cả tâm huyết để bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh từ hàng chục năm nay, uy tín, thương hiệu của những doanh nghiệp chân chính muốn phát triển sâm Ngọc Linh đang bị ảnh hưởng rất lớn. Còn về lâu về lâu dài, “Quốc bảo” sâm Ngọc Linh chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng nặng nề về mặt danh tiếng và thương hiệu, nếu tình trạng lạm dụng, “mập mờ đánh lận con đen” không được ngăn chặn. Vì vậy, các Bộ ngành và địa phương liên quan cần nhanh chóng vào cuộc, sớm đưa ra những cơ chế nghiêm ngặt và chế tài đủ mạnh để bảo vệ “Quốc bảo” sâm Ngọc Linh, một bảo vật hiếm có của Quốc gia, trước khi quá muộn.
Lạm dụng thương hiệu “Quốc bảo” sâm Ngọc Linh
Hiện trên địa bàn tỉnh Kon Tum, Cục Sở hữu trí tuệ cấp chỉ dẫn địa lý cho sâm Ngọc Linh tại 9 xã của 2 huyện Tu Mơ Rông và Đăk Glei. Tuy nhiên, hiện tại có một công ty lại “vẽ” ra viễn cảnh trồngsâm Ngọc Linh tại vùng Măng Đen huyện Kon Plông, là địa danh ngoài vùng chỉ dẫn địa lý.
Cụ thể, Công ty cổ phần Tập đoàn Mỹ Hạnh (Công ty MHG) được thành lập năm 2017. Theo giới thiệu, năm 2018 công ty phát triển vùng trồng sâm tại tỉnh Quảng Nam và Kon Tum. Công ty hoạt động, nghiên cứu trồng sâm Ngọc Linh và dược liệu; sản xuất và phân phối sản phẩm sâm Ngọc Linh. Công ty cam kết sản phẩm sâm Ngọc Linh xuất xứ nguồn gốc rõ ràng. Sở hữu vùng trồng nguyên liệu lớn tại Kon Tum và Quảng Nam…
Trước thông tin trên, ông Trần Út, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam cho biết, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam không có công ty nào tên MHG tham gia trồng sâm Ngọc Linh. Nếu thông tin ở Măng Đen trồng sâm Ngọc Linh, họ chẳng qua trồng thăm dò, thử nghiệm.
Trong khi đó, tại Kon Tum, Công ty MHG gần như không ai biết. Trong số 5 công ty được tỉnh Kon Tum cấp phép trồng sâm Ngọc Linh không có Công ty MHG hay Hợp tác xã Nông nghiệp Tuyết Sơn Kon Plông tại xã Măng Cành, huyện Kon Plông.
Mặc dù chưa trồng sâm Ngọc Linh tại Kon Tum như chính ông Trần Quốc Toản, quản lý dự án của Hợp tác xã Nông nghiệp Tuyết Sơn Kon Plông khẳng định với phóng viên nhưng Công ty MHG đã kêu gọi các nhà đầu tư vào dự án MHG Farm tại huyện Kon Plông (Kon Tum). Một dự án trồng sâm Ngọc Linh ở ngoài vùng chỉ dẫn địa lý sâm Ngọc Linh.
Để thuyết phục nhà đầu tư, MHG còn “tung” ra hàng loạt hình ảnh vườn sâm Ngọc Linh đã được trồng bài bản, một số hình ảnh đẹp, bắt mắt; trong đó, có một số trùng khớp với vườn sâm của của các công ty trồng sâm được tỉnh Kon Tum cấp phép trồng tại núi Ngọc Linh.
Tại trang chủ samngoclinhmhg.com, các sản phẩm mang thương hiệu “sâm Ngọc Linh” của MGH khá đa dạng, lên đến hàng chục sản phẩm như: sâm lát ngâm mật ong, dầu gió sâm Ngọc Linh, rượu sâm Ngọc Linh, nước uống bổ dưỡng, nước yến, sữa bột, viên ngậm, viên sủi…. sâm Ngọc Linh.
Hàng loạt sản phẩm được chế biến từ sâm Ngọc Linh được công ty giới thiệu, quảng bá, tuy nhiên, trả lời báo chí, bà Phạm Mỹ Hạnh – Chủ tịch hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Mỹ Hạnh cho biết: “Công ty đang chú trọng sản xuất các sản phẩm liên quan đến Hồng đẳng sâm. Đây là cây sâm gần giống như sâm Hàn Quốc, nhưng chất lượng Saponin Hồng đẳng sâm Việt Nam rất là cao và đang được trồng ở Nam Trà My, Kon Tum. Và hiện tại chúng tôi lấy cây Hồng đẳng sâm là sản phẩm trọng điểm”.
“Bây giờ doanh nghiệp hay tư thương mua bán, kinh doanh sâm Ngọc Linh vẫn còn lẫn lộn việc mượn tên sâm Ngọc Linh để mua bán dưới nhiều hình thức sản phẩm sâm khác. Sâm Ngọc Linh là sâm Ngọc Linh, không thể lấy dòng sâm khác gọi là sâm Ngọc Linh được,” ông Trần Út nhấn mạnh.