Liệu bạn đã từng bao giờ nhìn vào một nải chuối xanh và mong rằng liệu có một biện pháp nào đó để đẩy nhanh quá trình chín của chúng, khiến trái chuối chín vàng để thưởng thức? Không hẳn là với chuối nhưng với mong muốn đẩy nhanh độ chín của trái cây, các sinh viên Đại học Quốc gia TPHCM mới đây đã sáng chế nên thiết bị có khả năng đẩy nhanh quy trình làm chín trái cây.

Sáng chế này là thiết bị phản ứng xúc tác dehydrate tạo etylen làm trái cây chín đều, an toàn cho sức khỏe được các nhà sáng chế trẻ tài năng của dự án này tạo nên – nhóm sinh viên Lưu Trung Thiện, Trần Quốc Duy và Nguyễn Tấn Luôn, Trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia TP HCM.

Được biết, nguyên do chủ yếu đằng sau sự chín của trái cây là tác động của khí etylen. Trong quá trình chín tự nhiên, trái cây tự sản sinh ra khí etylen. Dựa trên nguyên lý này, nhóm đã sáng chế nên máy sản xuất khí etylen để thúc đẩy quá trình chín.

Nhóm tác giả bên thiết bị phản ứng xúc tác dehydrate tạo etylene làm chín trái cây. Ảnh: NVCC

Thiết bị phản ứng xúc tác dehydrate (tách nước) tạo etylen gồm hai bộ phận chính là hóa hơi và phản ứng nơi chứa xúc tác zeolite (vật liệu được nhóm nghiên cứu và biến tính để có thể chuyển hóa ethanol (cồn) thành etylen).

Thiết bị có khả năng đẩy nhanh quy trình làm chín trái cây

Nguyên lí hoạt động của sáng chế như sau:

Bình cồn ethanol sẽ được dẫn vào hệ thống phản ứng bơm nhập liệu. Tại bộ phận phản ứng, cồn sẽ được chuyển từ dạng lỏng sang dạng hơi. Bộ phận phản ứng chứa vật liệu zeolite sẽ biến ethanol thành etylen. Khí etylen sau đó được dẫn vào bộ phẩn tách lỏng khí. Phần eytlen chưa được phản ứng hết sẽ được giữ lại trong nước, chỉ có etylen tinh khiết được thoát ra để dẫn vào buồng ủ chín trái cây.

Hệ thống bơm hoạt hóa sẽ liên tục hoạt động để đưa không khí vào buồng xúc tác. Với nhiệt độ khoảng 300 độ C, không khí giúp đốt cháy các muội than sinh ra trong quá trình Zeolite hoạt động, biến thành dạng khí thoát ra ngoài, giúp cải thiện độ tinh khiết của dòng khí etylen sinh ra.

Sáng chế này khi được đưa vào vận hành đã thể hiện sự cải thiện đáng kể so với các thiết bị hiện có trên thị trường. Cụ thể, bộ xúc tác của máy có thể chuyển hóa etylen đạt hiệu suất 72,5% ở nồng độ cồn 20% trong khi đó các sản phẩm máy tạo etylen nhập khẩu trên thị trường hiện nay yêu cầu cồn lỏng đầu vào phải đạt độ tinh khiết đến 99,99%.

Một điểm cải thiện đáng kể nữa là thiết bị này có giá thành rất rẻ so với các thiết bị khác trên thị trường được nhập khẩu thương mại về Việt Nam.

Giá chênh lệch là 2,5 triệu đồng/chiếc so với 20-30 triệu đồng/chiếc.

Nghiên cứu này của nhóm sinh viên đã đạt giải nhất Giải thưởng sinh viên nghiên cứu khoa học – EURÉKA lần thứ 23 năm 2021.

(Theo VnExpress)