Nhằm tìm ra giải pháp để có thể trích xuất nước ép ngon, ngọt từ trái thanh long truyền thống của Việt Nam, anh Lê Thiên Khiêm đã dày công nghiên cứu và cuối cùng đã tìm ra được quy trình sản xuất nước ép thanh long hiệu suất cao có thể giữ lại tối đa chất dinh dưỡng cũng như hương vị từ trái thanh long.

Xuất phát từ thực tế trái thanh long bán không được giá, thậm chí là không có khách mua trong một thời gian dài, anh Lê Thiên Khiêm ở công ty CP sản xuất và chế biến nông sản sạch Vina đã chia sẻ về câu chuyện đằng sau sáng chế được cấp bằng của anh.

Trong 2 năm Covid-19 hoành hành Việt Nam, do các lệnh cách ly quốc gia và quốc tế, trái thanh long đã không thể được xuất ra các thị trường tiềm năng như trước kia, đặc biệt là Trung Quốc vốn là thị trường chính của trái thanh long Bình Thuận – quê hương của anh Khiêm.

Chính vì tình trạng kéo dài của các lệnh cách ly, cấm nhập khẩu, xuất khẩu đã khiến anh Khiêm bước trên con đường tìm lời giải đáp cho việc tiêu thụ trái thanh long đã thu hoạch và đang còn trên cây.

Cuối cùng, khác với những lời giải đáp thông thường như tìm hướng xuất khẩu mới hoặc tăng cường quảng bá,…, anh Khiêm đã tìm ra câu giải đáp bằng cách thay đổi bản chất của sản phẩm – từ thể rắn sang thể lỏng.

Nước ép chính là câu trả lời của anh Khiêm.

Sản xuất nước ép thanh long

Vốn, ban đầu anh Khiêm định đi theo hướng sản xuất rượu thanh long, nhưng quá trình sản xuất rượu tốn quá nhiều thời gian và phức tạp hơn đáng kể, thêm vào việc thị trường rượu sẽ giới hạn cho những khách hàng còn ít tuổi nên cuối cùng anh đã chọn nước ép thanh long.

Nước ép thanh long đáp ứng được nhu cầu của mọi lứa tuổi, cũng như với việc là một sản phẩm tốn ít thời gian chế biến, có lợi cho sức khỏe nên nước ép sẽ giải quyết được vấn đề sản lượng thanh long lớn không có nguồn ra.

Sáng chế Việt: Quy trình sản xuất nước ép thanh long hiệu suất cao. Nguồn: ifoodvietnam

Cho biết về quá trình tạo nên công thức sản xuất nước ép thanh long hiệu suất cao, anh Khiêm cho biết rằng việc giữ gìn các chất dinh dưỡng, hương vị tự nhiên trong thời gian dài và đảm bảo hiệu quả tách nước là vấn đề khó nhất trong sản xuất nước quả ép, đặc biệt là với thanh long.

Sau nhiều lần thử nghiệm, cuối cùng anh Khiêm đã tìm thấy công thức chế tạo nước ép thanh long có hiệu suất cao và quan trọng hơn cả là hương vị được bảo quản là: bổ sung enzyme cellulase và polygalaturonaza theo tỉ lệ là 0,15% trên tổng thể tích thanh long đã nghiền, khuấy đều trong vòng 15 phút, sau đó đem ủ rồi lọc, tách lấy nước.

Anh Khiêm cho biết: “Khi đưa hai loại enzyme này tác dụng với ruột thanh long đã được đánh tơi, chúng sẽ cắt đứt liên kết cellulase và pectin làm cho hai thành phần này tách rời nhau ra. Các pectin sẽ hòa tan trong nước còn các cellulase sẽ nổi lên trên. Enzyme chỉ có chức năng cắt liên kết, cho nên các thành phần dinh dưỡng trong trái thanh long không bị thay đổi.”

Sau khi hoàn thiện quy trình, anh Khiêm đã đăng ký sáng chế phương pháp sản xuất nước thanh long nguyên chất bằng cách sử dụng enzyme. Sau đó, anh đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Bằng độc quyền sáng chế số 1-0031193 công bố vào tháng 2/2022.

(Theo Bài viết hợp tác giữa Cục Sở hữu trí tuệ và Báo Khoa học Phát triển)