Hãy tưởng tượng việc sử dụng một chiếc máy tính mà không có chuột? Ai cũng sẽ khó chịu với việc phải ngồi gõ từng câu lệnh lặp đi lặp lại để chiếc máy tính có thể hiểu yêu cầu. Là một công cụ nhỏ bé, nhưng chuột máy tính lại có tầm quan trọng rất lớn. Thiết bị này là sự cải tiến trong việc phát triển giao diện người dùng (GUI – Graphic User Interface).
Giai đoạn đầu tiên
Chiếc chuột máy tính đầu tiên được tạo ra vào năm 1946. Thiết bị này được đăng ký sáng chế vào năm 1947, nhằm mục đích di chuyển hệ thống radar định vị vị trí máy bay. Tuy nhiên bằng sáng chế này lại được liệt vào danh sách bí mật quân sự, và không được sử dụng rộng rãi.
Cho tới năm 1972, rất nhiều thiết bị chuột định vị được tạo ra. Cơ chế hoạt động chủ yếu là: sử dụng một con lăn và các bộ định vị tọa độ di chuyển X và Y, từ đó thực thi hành động của con trỏ trên màn hình. Song tất cả chúng được tạo ra phục vụ mục đích quân sự, thay vì sử dụng đại trà.

Chuột máy tính hiện đại
Năm 1963, Douglas Engelbart đã có ý tưởng mới để thay đổi trải nghiệm sử dụng máy tính. Ý tưởng của ông được hoàn thành vào năm 1964, với sự trợ giúp của Bill English. Do thiết kế này có phần giống với con chuột, nên hai nhà nghiên cứu đã đặt tên cho sản phẩm của mình là “chuột”. Sáng chế này được coi là sáng chế đi trước thời đại.
Trên thực tế, hầu hết các con “chuột” này đều hoạt động theo cơ chế Trackball (bi lăn). Năm 1973, Xerox Alto là chiếc máy tính cá nhân đầu tiên có sử dụng chuột. Không lâu sau, hàng loạt chiếc máy tính cá nhân khác cũng ra đời và phổ cập “loài chuột” này. Thế nhưng hầu hết các hệ điều hành thời bấy giờ vẫn sử dụng các câu lệnh để điều khiển máy tính, cho nên những chú “chuột” vẫn chưa thực sự đem lại nhiều tiện ích cho người dùng.
Sự ra đời của Macintosh 128K
Sự ra đời của chiếc máy tính Macintosh 128K vào năm 1984 là một mốc quan trọng với sự phát triển của chuột máy tính. Macintosh 128K có giao diện sử dụng nhiều cửa sổ ứng dụng. Qua đó, người dùng có thể điều khiển chiếc máy tính bằng cách click vào hình ảnh, thay vì phải gõ các dòng lệnh. Nhờ vậy, việc điều khiển chiếc máy tính, đóng mở ứng dụng và các thao tác khác sẽ được thực tiện một cách đơn giản hơn rất nhiều với chuột máy tính.

Microsoft sau đó đã nhanh chóng chớp lấy thời cơ, thiết kế hệ điều hành Windows tích hợp các tính năng của chuột. Trước đó, Microsoft chỉ có hệ điều hành “MS-DOS” sử dụng câu lệnh. Bên cạnh đó, Microsoft cũng đã bắt tay vào việc sản xuất chuột máy tính.
Sau đó, khi Logitech công bố chiếc chuột máy tính P4 sử dụng hệ thống đèn hồng ngoại để định vị thay vì con lăn, việc này loại bỏ rủi ro lỗi bộ định vị và thất lạc con lăn nếu không bảo quản chuột kỹ càng.
Có một câu chuyện vui rằng, khi Douglas Engelbart lên ý tưởng cho hình dáng chuột máy tính, một chú chuột đã rơi trúng đầu của ông. Nhận thấy hình dáng này có thể đáp ứng được yêu cầu đề ra, Douglas đã làm một con chuột dựa trên hình dáng đó.
Tuy là một bộ phận tương đối “mới” so với các thiết bị phần cứng của máy tính, song chuột máy tính đã trở thành một trong những sáng chế quan trọng nhất trong mảng tối ưu hóa trải nghiệm của người dùng.