Vào ngày 23 tháng 3 năm 2021, Văn phòng Sáng chế Nhật Bản đã từ chối đơn đăng ký nhãn hiệu của một cá nhân quốc tịch Trung Quốc sống ở Thâm Quyến vì đơn đăng ký sử dụng tên của người bản địa Ainu của Nhật Bản.

Theo JPO (Japan Patent Office – Cơ quan Sáng chế Nhật Bản), đơn đăng ký AINU đã được nộp vào tháng 3 năm 2020 cho các sản phẩm công nghệ điện tử như vỏ điện thoại thông minh và chuột máy tính. Tuy nhiên, đơn đăng ký này đã nhận phải sự chỉ trích nặng nề của người AINU – những người bản địa Nhật Bản sống ở Hokkaido. Họ coi đây là một chiến lược đen tối nhằm thương mại hóa nền văn hóa của họ cho mục đích kinh doanh.

JPO từ chối đơn đăng ký với lý do tên La-tinh hóa sẽ “dễ dàng” bị nhầm lẫn với tên của người bản địa. Ngoài ra, Cơ quan sáng chế Nhật Bản cũng tuyên bố: “Việc sử dụng độc quyền nhãn hiệu là đi ngược lại lợi ích của xã hội và công chúng của đất nước chúng ta, đồng thời nó có thể gây tổn hại đến trật tự công cộng và các tiêu chuẩn đạo đức.”

Nhật Bản từ chối thầu nhãn hiệu AINU của công dân Trung Quốc. Ảnh: pixabay

Năm 2019, chính phủ Nhật đã ban hành một đạo luật quy định người Ainu là dân bản địa nhằm bảo vệ và quảng bá nền văn hóa của người Ainu như một cách để đối phó với sự phân biệt đối xử trong lịch sử và chênh lệch kinh tế xã hội.

Từ chối đăng ký nhãn hiệu và thu hồi nhãn hiệu vì nhầm lẫn tên bản địa

Đây không phải lần đầu tiên có một cơ quan sở hữu trí tuệ đưa ra các biện pháp đối phó với việc nhầm lẫn tên bản địa. Theo hợp tác xã chè Kyoto, trước đây, Cục Sở hữu Trí tuệ Quốc gia Trung Quốc đã thu hồi nhãn hiệu “Kyoto Uji” đã được đăng ký tại Trung Quốc cho các sản phẩm chè của các công ty Trung Quốc.

Được biết, hợp tác xã chè Kyoto đã đưa ra yêu cầu thu hồi nhãn hiệu với chính quyền vào tháng 11 năm 2019 vì họ cho rằng thương hiệu chè “Uji” của họ sẽ bị tổn hại bởi nhãn hiệu này. Sau đó, Cơ quan Trung Quốc đã đưa ra quyết định thu hồi nhãn hiệu vào tháng 1 năm 2020.

Ý kiến chuyên gia

Theo bà Nina Li – đối tác tại IP March ở Bắc Kinh: “Việc đăng ký và sử dụng nhãn hiệu ở quốc gia nào thì phải tuân theo pháp luật của quốc gia đó. Do đó, nếu đơn đăng ký nhãn hiệu vi phạm pháp luật địa phương thì việc chính quyền địa phương từ chối đơn đăng ký theo luật là điều hợp lý. Luật nhãn hiệu của Trung Quốc cũng quy định rõ ràng những loại dấu hiệu không được phép sử dụng hoặc đăng ký làm nhãn hiệu tại Trung Quốc. Ví dụ, các dấu hiệu trùng hoặc tương tự với tên quốc gia, quốc kỳ,… của Trung Quốc sẽ không được phép sử dụng hoặc đăng ký làm nhãn hiệu ở Trung Quốc.

Bà cũng nói thêm: “Không có quy định chung nào về việc các nhãn hiệu có chứa các đặc điểm độc đáo của văn hóa địa phương có được phép sử dụng hoặc đăng ký làm nhãn hiệu ở Trung Quốc hay không. Tuy nhiên, nếu nhãn hiệu có tác động tiêu cực đến các lợi ích chính trị, kinh tế, văn hóa, tôn giáo, dân tộc hoặc các lợi ích công cộng xã hội khác và trật tự công cộng của Trung Quốc, CNIPA sẽ từ chối đơn đăng ký nhãn hiệu đó. Bên cạnh đó, nếu nhãn hiệu có khả năng gây hiểu lầm cho công chúng về nơi sản xuất hoặc các đặc tính khác của hàng hóa, CNIPA cũng sẽ từ chối đơn đăng ký nhãn hiệu đó.”

-Huntress-