Cây Tô Mộc được coi là một trong những cây thuốc nổi tiếng nhất Việt Nam. Thậm chí, chính bản thân loài cây Tô Mộc đã có thể được coi là một bài thuốc bởi lẽ các hợp chất quý bên trong nó có rất nhiều tác dụng bổ dưỡng đối với con người. Mới đây, các nhà sáng chế Việt đã sáng chế nên được hỗn hợp hoạt chất kháng viêm từ cây Tô mộc.

Cây Tô mộc

Cây Tô mộc (Caesalpinia sappan L.) là một nguyên liệu quý từ lâu đã được các thầy thuốc đông y nổi tiếng sử dụng để cứu người.

Theo các bài thuốc y học cổ truyền, cây Tô mộc có tác dụng điều hòa kinh nguyệt, hoạt huyết, giảm sưng đau do chấn thương hoặc tụ máu,…

Theo công nghệ y học hiện đại, cây Tô mộc có tác dụng kháng nhiều loại vi khuẩn như Staphylococcus, Shiga flexneri, Shigella sonnei, Bacillus subtilis,… Đặc biệt hơn cả là các yếu tố như nhiệt, dịch vị và dịch tuỵ tạng không làm ảnh hưởng đến khả năng kháng viêm của loài cây này.

Hỗn hợp hoạt chất kháng viêm từ cây Tô mộc

Sau nhiều năm tìm tòi nghiên cứu, TS. Tô Đạo Cường (Viện nghiên cứu Nano, Trường Đại học Phenikaa) đã đưa ra câu trả lời đằng sau các ứng dụng thần kỳ của loài cây Tô mộc này.

TS. Tô Đạo Cường đã thử nghiệm nhiều loại dung môi với nhiệt độ và thời gian chiết khác nhau theo định hướng dẫn đường sinh học nhằm tìm ra được phương pháp chiết các hoạt chất kháng viêm một cách tối ưu.

Kết quả của nhóm nghiên cứu lúc bấy giờ chỉ ra rằng rất nhiều hợp chất phân lập được từ cao chiết này có hoạt tính kháng viêm mạnh như 3,7-dihydroxychromen-4-on, Protosappanin A, Sapanchalcon, 3-deoxysapanon B, v.v..

Sáng chế Việt: Hỗn hợp hoạt chất kháng viêm từ cây Tô mộc

TS. Cường cho biết rằng dẫu loài cây này có nhiều tác dụng bổ ích như vậy và đúng thật là đã được sử dụng, áp dụng vào đời sống trong nhiều năm qua, tuy nhiên, theo ông, các cách sử dụng đó vẫn còn đơn giản và thô sơ, không hoàn toàn tối ưu được công dụng của loài cây này.

Chỉ sắc thuốc hoặc nấu nước uống hàng ngày đã khiến cho nhiều đặc tính của loài cây này bị lãng phí.

Ngay cả trong ngành dược phẩm, “các kĩ thuật chiết polyphenol cho thấy hiệu suất chiết và hiệu quả kháng viêm thu được khá thấp” – TS. Cường cho biết.

Chính vì vậy mà ta cần tìm ra một phương pháp chiết chọn lọc các hoạt chất polyphenol với hiệu suất cao cho phép dễ dàng chiết polyphenol từ gỗ cây Tô mộc nhằm phát triển nguồn nguyên liệu sản xuất dược phẩm để điều trị các bệnh viêm trên xã hội, giúp đỡ cuộc sống người dân.

Để loại bỏ tạp chất, nhóm ly tâm phần dịch chiết thu được để loại bỏ hoàn toàn phần cặn. Cuối cùng, nhóm nghiên cứu thu được hỗn hợp hoạt chất có tác dụng kháng viêm dạng bột mịn bao gồm các thành phần kháng viêm chính chiếm từ 65 đến 70% trọng lượng hỗn hợp hoạt chất.

Quy trình sản xuất hỗn hợp hoạt chất có tác dụng kháng viêm từ gỗ cây tô mộc đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp bằng độc quyền sáng chế số 1-0030863 công bố ngày 25/01/2022.

(Theo Bài viết hợp tác giữa Cục Sở hữu trí tuệ và Báo Khoa học và Phát triển)