Ngày nay, tình trạng hàng giả, hàng nhái các thương hiệu quần áo trang sức nổi tiếng đã không còn là điều quá mới lạ. Đi kèm với lợi ích to lớn từ các sản phẩm vi phạm pháp luật là nguy cơ càng lớn hơn từ các đơn kiện SHTT của chủ sở hữu tài sản trí tuệ. Mới đây, một thương hiệu quần áo thể thao của Mỹ – New Balance đã giành chiến thắng trong một cuộc chiến pháp lý chống lại một trong những thương hiệu ‘copycat’ lớn nhất Trung Quốc – New Barlun.

Vụ kiện giữa New Balance và New Barlun

Trước đây, vào năm 2020, New Barlun đã từng bị yêu cầu bồi thường thiệt hại cho New Balance với số tiền 10,8 triệu yên (1,54 triệu đô la Mỹ) vì hành vi cạnh tranh không lành mạnh. Năm mới, 2 hãng quần áo khổng lồ này lại tiếp tục mời nhau ra tòa để giải quyết ân oán lần cuối.

Ngày mùng 5 tháng 1 năm 2021, tòa án quận Hoàng Phố, Thượng Hải đã đưa ra phán quyết có lợi cho New Balance trong vụ kiện chống lại New Barlun. Cụ thể, tòa án yêu cầu các bị đơn, New Barlun và Shanghai Shiyi Trade phải bồi thường thiệt hại cho New Balance với số tiền lên tới 25 triệu yên (3,85 triệu USD).

Tòa án đã phán quyết rằng việc sản xuất và phân phối giày với ký hiệu chữ ‘N’ của New Barlun và Shiyi đã cấu thành hành vi vi phạm nhãn hiệu của New Balance. Điều này là bởi vì biểu tượng chữ ‘N’ của New Barlun cực kỳ giống với biểu tượng gốc nổi tiếng của New Balance, cả về mặt hình ảnh lẫn nhận thức.

Cuộc chiến pháp lý giữa New Balance và New Barlun. Ảnh: manofmany

Dẫn đầu lịch sử

Các sản phẩm vi phạm quyền SHTT đã mang về doanh thu cực khủng cho các bị đơn. Tòa án thấy rằng New Barlun đã thu lợi từ danh tiếng và sự nổi tiếng từ biểu tượng ‘N’ của New Balance ở Trung Quốc. Ngoài ra, họ cũng bị kết tội kinh doanh thiếu lành mạnh khi liên tục thực hiện các hành vi vi phạm ngay cả sau khi Tòa án đã ban hành lệnh tạm thời. Đồng thời, tòa án cho rằng nhà phân phối Shanghai Lusha phải chịu trách nhiệm liên đới với số tiền bồi thường 100.000 yên (15.000 USD).

Khoản tiền mà hãng quần áo New Balance nhận được có thể lập kỷ lục ở Trung Quốc. Tính trong tất cả các vụ kiện SHTT ở quốc gia này từ trước đến nay thì đây vẫn là một trong những khoản tiền bồi thường lớn nhất có được từ một vụ kiện.

Bản án chưa có hiệu lực nên các bị cáo vẫn có quyền kháng cáo.

Ý kiến chuyên gia

Dan McKinnon – cố vấn cấp cao về sở hữu trí tuệ và bảo hộ thương hiệu toàn cầu của New Balance cho biết: “Việc tòa án một lần nữa công nhận tính hợp pháp của các quyền SHTT của New Balance là rất đáng khích lệ. Điều này sẽ giúp đảm bảo rằng thương hiệu của chúng tôi và lợi ích của người tiêu dùng được bảo vệ.”

Vụ kiện này đã mở đường cho sự phát triển của một loạt các thương hiệu quốc tế tại Trung Quốc? Ảnh: highsnobiety

Carol Wang – luật sư tại Công ty Luật Lusheng, thành viên của Rouse cho biết: “Đây không chỉ là một chiến thắng cho New Balance mà còn là chiến thắng cho một loạt các thương hiệu quốc tế khác đang hoạt động tại Trung Quốc. Đặc biệt là khi họ tiếp tục đối mặt với nguy cơ thương hiệu bị bắt chước, làm giả, làm nhái ngày càng tăng trong hoạt động kinh doanh. Phán quyết này đã khẳng định lại cam kết của Trung Quốc trong nỗ lực thành lập một hệ thống sở hữu trí tuệ mạnh mẽ và tinh vi, xứng tầm với hệ thống sở hữu trí tuệ của các cường quốc hàng đầu khác. Ngoài ra, hệ thống này sẽ còn có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc thu hút các nhà đầu tư quốc tế.”

-Huntress-