Pho Holdings, chuỗi nhà hàng chuyên phục vụ ẩm thực Việt Nam, vừa chính thức từ bỏ quyền sở hữu độc quyền đối với từ “Phở” trong tên thương hiệu của mình tại Anh, sau khi nhận nhiều phản đối từ cộng đồng mạng.

Được thành lập bởi Stephen và Jules Wall vào năm 2005, Pho Holdings đã đệ đơn lên Cục Sở hữu Trí tuệ Anh để từ bỏ quyền sở hữu từ “Phở” trong thương hiệu của chuỗi nhà hàng. Quyết định này được đưa ra sau khi cộng đồng mạng, đặc biệt là người Việt, bày tỏ sự bất bình với việc một từ ngữ gắn liền với ẩm thực truyền thống Việt Nam lại bị độc quyền thương hiệu tại nước ngoài.

Cuộc tranh cãi bắt đầu khi Yen (Yến), một người Việt sống tại London, chia sẻ video trên TikTok vào ngày 12/10, trong đó cô phản đối mạnh mẽ việc Pho Holdings đăng ký bản quyền từ “Phở” làm tên thương hiệu cho chuỗi nhà hàng của họ. Yen cho rằng, với tư cách là người Việt Nam, cô cảm thấy không thoải mái, đôi phần bị xúc phạm khi thấy một từ ngữ biểu tượng của ẩm thực quê hương bị sử dụng cho mục đích thương mại bởi một công ty không có nguồn gốc Việt Nam, không có liên kết trực tiếp dưới bất kì hình thức nào với người Việt hoặc Việt Nam.

Câu chuyện này không phải là mới. Từ năm 2013, Pho Holdings đã từng gửi thư cảnh báo đến Mơ Phở, một nhà hàng nhỏ tại phía đông London, về việc sử dụng tên “Phở” mà chuỗi này đã đăng ký nhãn hiệu. Nhà hàng Mơ Phở buộc phải gỡ biển hiệu tạm thời, và cuộc tranh cãi dần lắng xuống. Tuy nhiên, video của Yen đã làm dấy lên làn sóng phản đối mới, thu hút hơn 2,6 triệu lượt xem và nhiều lời kêu gọi tẩy chay chuỗi nhà hàng này.

Trong bối cảnh chỉ trích tăng cao, đại diện Pho Holdings đã đưa ra lời giải thích rằng họ không đăng ký bản quyền món ăn “phở” mà chỉ bảo vệ thương hiệu công ty thông qua quyền sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu. Tuy nhiên, họ cũng thừa nhận sai lầm trong cách tiếp cận và khẳng định không có ý định cản trở các doanh nghiệp khác sử dụng từ “phở” trong tên của họ. Họ nhấn mạnh rằng hơn 50 doanh nghiệp tại Anh cũng có từ “phở” trong thương hiệu của mình.

Mặc dù Pho Holdings khẳng định họ luôn tôn trọng và yêu mến văn hóa Việt Nam, lời giải thích của họ không được cộng đồng mạng chấp nhận, và nhiều người tiếp tục kêu gọi tìm đến các nhà hàng phở chính thống.

Cuối cùng, Pho Holdings quyết định nộp đơn yêu cầu hủy bỏ đăng ký nhãn hiệu từ “phở” và hy vọng quyết định này sẽ giúp chấm dứt cuộc tranh cãi kéo dài hơn 10 năm, họ vẫn sẽ hoạt động bình thường và cũng không có ý định hay nỗ lực cản trở sự phát triển của các thương hiệu Việt Nam hoặc các thương hiệu khác kinh doanh sản phẩm phở truyền thống của người Việt.

Nhìn chung, đây là một vụ tranh chấp rất kì lạ, bởi lẽ Pho Holdings về mặt pháp lý hoàn toàn không phải bên sai. Họ đã nộp đơn đăng ký nhãn hiệu từ sớm, nhận được bảo hộ từ Cục Sở hữu trí tuệ Anh, không hề có bất kì sai phạm nào, thực hiện quyền bảo hộ đối với nhãn hiệu của họ với các bên khác sử dụng thương hiệu có chữ Phở.

Tuy nhiên, tranh chấp nảy ra với nhận định Pho Holdings không nên có ‘quyền’ ngăn cấm các bên khác sử dụng tên thương hiệu. Về lí, họ không sai. Nếu có bên sai, phải là bên Cục SHTT Anh đã chấp thuận đăng ký cho nhãn hiệu là thuật ngữ chung chỉ món phở Việt Nam, tương tự như sushi của Nhật hay Kimbap của Hàn.

Đại diện Việt Nam có thể nộp đơn yêu cầu hủy bỏ hiệu lực của nhãn hiệu đã đăng ký, thay vì tạo sức ép dư luận để buộc Pho Holdings phải thỏa hiệp, tự gửi đơn yêu cầu rút độc quyền nhãn hiệu với từ Pho. Hành vi này có rủi ro rất lớn nếu Pho Holdings không chịu thỏa hiệp, sẵn sàng hủy bỏ danh tiếng của mình để theo đuổi vụ việc đến cùng, kiện ngược lại đại diện Việt Nam vì ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của họ.