Chỉ vì giữ quyền kiểm soát giá cả và tính độc quyền đối với vắc xin cũng như thuốc Paxlovid của mình, hãng dược Pfizer đã bị chỉ trích rằng đây là hành vi “trục lợi từ đại dịch”.

Theo bài báo ngày 3/5 của tờ báo The Guardian, Hãng dược Pfizer (Mỹ) đã có tổng doanh thu lên đến gần 26 tỉ USD chỉ trong 3 tháng đầu năm nay. Số tiền này phần lớn là từ vắc xin COVID-19 và thuốc trị COVID-19. Pfizer đã công bố tổng doanh thu của công ty này là 25,7 tỉ USD trong quý đầu tiên của năm nay, tăng 77% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong số này, 13,2 tỉ USD đến từ vắc xin Comirnaty mà họ phát triển chung với Công ty BioNTech (Đức).

Ngoài ra, Pfizer thu 1,5 tỉ USD nhờ Paxlovid. Đây là loại thuốc viên trị COVID-19 dành cho những người có nguy cơ mắc bệnh nặng. Cuối tháng 12/2021, cơ quan quản lý Mỹ đã phê duyệt khẩn cấp loại thuốc này. Đồng thời, Vương quốc Anh và Liên minh châu Âu (EU) cũng đã ký phê duyệt.

Hãng dược Pfizer đã thêm hàng chục tỉ USD vào tổng doanh thu của mình trong thời gian đại dịch lên đến đỉnh điểm nhờ vào các sản phẩm liên quan đến COVID-19 của họ. Trong khi đó, Công ty công nghệ sinh học Moderna có trụ sở tại Boston (Mỹ) đã thua lỗ nặng do chia sẻ vắc xin cho đến khi họ chuyển sang bán vắc xin COVID-19.

Thêm vào đó, công ty Pfizer từ chối bỏ quyền bảo hộ bằng sáng chế và không cho phép những công ty khác sản xuất. Đồng thời, công ty này đã tự làm chủ giá vắc xin của mình. Đây là những lý do dẫn đến những cáo buộc và chỉ trích từ nhiều cá nhân hay tổ chức rằng Pfizer trục lợi từ đại dịch.

Hai tuần trước, 35 nhà vận động về dược phẩm đã biểu tình bằng cách đưa những chiếc xe chở đầy tiền giả đến văn phòng của Pfizer tại hạt Surrey (Vương quốc Anh) vào ngày họp cổ đông thường niên của công ty này. Họ đến từ các tổ chức như: Global Justice Now, Act-Up London, Just Treatment và Stop Aids đã biểu tình để phản đối hành vi gọi là “trục lợi từ đại dịch”.

Ông Tim Bierley của tổ chức Global Justice Now, đại diện nhóm, cho biết việc Pfizer từ chối chia sẻ công nghệ và bí quyết độc quyền đối với vắc xin và thuốc điều trị của mình là hành vi hành vi đặt lợi nhuận lên trên sức khỏe của con người và trục lợi từ đại dịch.

Hãng dược Pfizer (Mỹ) từ chối bỏ quyền bảo hộ bằng sáng chế vắc xin COVID-19 để duy trì sự kiểm soát độc quyền của mình. (Hình ảnh: Sggp.org)

Ông cho biết: “Doanh thu của Pfizer từ năm ngoái gần như tăng gấp đôi. Và bây giờ có vẻ như kho tiền của công ty họ sẽ tiếp tục tăng thêm nữa. Vào thời điểm mà hàng triệu người vẫn chưa được tiếp cận vắc xin hoặc thuốc điều trị COVID-19, thật đau lòng vì hành vi liên tiếp trục lợi này.”

Pfizer đáp lại về vấn đề bằng sáng chế vắc xin

Trả lời về vấn đề chia sẻ bằng sáng chế, Pfizer cho biết những công ty khác sẽ gặp khó khăn trong việc sản xuất vắc xin của họ do việc này không chỉ đơn giản là chia sẻ các công thức. Đại diện của Pfizer cho biết, việc sản xuất vaccine của Pfizer liên quan đến hơn 280 nguyên liệu đến từ 86 nhà cung cấp ở 19 quốc gia.

Các công ty lớn của Anh và Mỹ khác như là AstraZeneca và Johnson & Johnson, đã chọn con đường phi lợi nhuận – từ bỏ quyền sở hữu trí tuệ đối với vắc xin COVID-19. Tuy nhiên cuối năm 2021, AstraZeneca đã chấm dứt việc chia sẻ công thức trong các hợp đồng cung cấp vaccine mới.

Về vấn đề làm chủ giá cả, Pfizer cho biết, họ đưa ra mức giá phù hợp và theo từng cấp độ đối với các quốc gia khác nhau. Quố gia nào giàu có hơn sẽ phải trả mức giá cao, cộng với tiền vận chuyển. Trong khi đó, quốc gia nào có thu nhập trung bình sẽ được yêu cầu chi trả giá chỉ bằng gần một nửa mức giá dành cho các quốc gia gàu có. Và các quốc gia thu nhập thấp sẽ được cung cấp với mức giá phi lợi nhuận.

Vào tháng 3/2022, công ty Pfizer đã ký một thỏa thuận với Unicef ​​để cung cấp tới 4 triệu liệu trình điều trị Paxlovid cho 95 quốc gia có thu nhập thấp và trung bình với mức giá phi lợi nhuận. Do đó, việc cáo buộc hãng dược Pfizer lợi dụng đại dịch để trục lợi là chưa đủ căn cứ.