Động vật chính là khởi nguyên của thế giới sinh động ngày nay. Con người bản chất cũng chính là từ động vật tiến hóa mà lên. Nguyên nhân duy nhất khiến con người trở thành loài sinh vật thống trị thế giới hiện nay là do chúng ta biết tìm hiểu, sáng tạo, học hỏi từ những loài động vật khác cũng như cách thế giới này vận hành. Dẫu rằng đã trải qua một kỷ nguyên không rõ năm tháng, trong xã hội hiện đại ngày nay con người vẫn phải học hỏi động vật nhiều điều, thể hiện rõ qua 4 sáng chế dưới đây theo blog “Động vật nơi hoang dã”.

Cá mập

Tiến sĩ Anthony Brennan khi nhận nhiệm vụ của Hải quân Hoa Kỳ cho vấn đề tảo và hàu bám trên bề mặt của tàu và tàu ngầm đã nghiên cứu cách thức cấu tạo của thân cá mập.

Ông thấy rằng cá mập là loài động vật biển duy nhất luôn sạch sẽ trên thân, tức không bị tảo biển hay các loại sinh vật biển khác bám trụ trên thân.

Điều này là do da cá mập bao gồm các răng xếp chồng lên nhau theo mô hình hình kim cương lặp có tác dụng ức chế vi khuẩn phát triển. Brennan và nhóm của ông nhận ra rằng họ có thể bắt chước da cá mập và tạo ra các bề mặt ngăn chặn vi khuẩn không chỉ trên tàu và tàu ngầm mà còn trên các thiết bị y tế.

Qua đó, tàu ngầm có độ hiệu quả cao như hiện nay chính nhờ học hỏi từ thân cá mập.

Bồng chanh (chim)

Khi tàu cao tốc Shinkansen của Nhật Bản nhận được những lời phàn nàn về tiếng ồn từ các khu dân cư, một nhóm kỹ sư đã được giao nhiệm vụ thiết kế một con tàu chạy êm hơn và hiệu quả hơn, bớt ồn hơn.

Eiji Nakatsu, Giám đốc Phát triển Kỹ thuật là một người đam mê quan sát các loài chim và cách chúng bay trên không. Ông đã nhận thấy được chim bồng chanh có khả năng săn mồi không tiếng động (gần như không tiếng động) với tai người.

Điểm đặc biệt của loài chim này là ở cái mỏ, cụ thể là cách thiết kế cái mỏ sao cho không khí có thể đi qua lặng lẽ, không tạo ra ma sát dẫn đến tiếng vang. Áp dụng điều này vào tàu cao tốc, ông Nakatsu đã tạo nên các đoàn tàu có khả năng chạy nhanh hơn 10%, sử dụng ít điện năng hơn 15% và duy trì giới hạn tiếng ồn dưới 70dB trong các khu dân cư.

Mối

Với nhiệt độ tăng cao và giá điều hòa không khí đắt đỏ, kiến ​​trúc sư Mick Pearce người Zimbabwe được giao nhiệm vụ thiết kế tòa nhà thương mại lớn nhất Zimbabwe với hệ thống làm mát tự nhiên.

Sau khi nhận thấy các gò mối, Pearce nhận ra rằng anh ta có thể bắt chước cấu trúc của côn trùng vì các gò mối thúc đẩy quá trình thông gió tự nhiên thông qua một hệ thống các túi khí. Các “ống khói” trên đỉnh tổ mối luân chuyển không khí nóng trong khi không khí mát đọng lại ở phía dưới.

Với sáng chế này, Trung tâm Eastgate ở Harare, Zimbabwe chỉ sử dụng năng lượng bằng 10% so với điều hòa không khí thông thường.

Cá voi lưng gù

Cá voi lưng gù và tua-bin gió có điểm chung là chúng vận hành bằng cách giảm lực cản gây nên bởi không khí và nước. Cụ thể, khi ở dưới nước và muốn di chuyển với tốc độ cao, cá voi lưng gù sẽ bơi theo kiểu xoắn ốc để giảm diện tích tiếp xúc cơ thể. Ngoài ra, cấu tạo vây cũng đóng vai trò quan trọng để giảm lực cản nhờ thiết kế lót dưới bởi các nốt sần (bump).

Áp dụng điều này vào tua-bin gió, các nhà nghiên cứu đã cho ra kết quả là lực cản đối với tua-bin gió giảm 32%, hiệu suất tăng gấp đôi.