Trái ngược với suy nghĩ của nhiều người, nạn phim lậu không chỉ giới hạn ở Việt Nam, mà nó thậm chí còn tồn tại ở nhiều nước phát triển khác trên thế giới, điển hình là Hoa Kỳ và Ấn Độ. Do đó, nhằm nâng cao ý thức của người dân về bản quyền và sở hữu trí tuệ, nhiều quốc gia trên thế giới đã đặt ra mức phạt tiền, thậm chí thời gian tù giam cho hành vi phát tán và thậm chí ‘chỉ’ là xem phim lậu.

Hình phạt cho việc xem phim lậu

Ngày nay, dù với sự phát triển của mạng Internet và hệ thống giáo dục đa lĩnh vực, dẫu vậy nhiều người vẫn không biết được vì sao xem phim miễn phí không có bản quyền là sai.

Trả lời vấn đề này, ông Jim Gibson – Giám đốc Viện sở hữu trí tuệ tại trường Đại học Richmond – giải thích rằng: “Khi người dùng tải xuống một phần hay cả tệp thì được gọi là ‘giả phát trực tiếp’. Điều này được xem là bản sao của tài liệu có bản quyền. Như vậy là bất hợp pháp. Và khi người dùng truyền tải nội dung đó đến người khác sẽ cấu thành hành vi vi phạm bản quyền”.

Theo một cuộc khảo sát của Envision Ltd, Ấn Độ là một trong năm quốc gia đứng đầu về nạn xem và tải phim lậu. Nhiều bộ phim nổi tiếng như Udta Punjab, Mohalla Assi, Paanch, Tera Kya Hoga Johnny,… đều trở thành các bộ phim miễn phí trên mạng. Thậm chí các bản HD của các bộ phim này còn bị rò rỉ trên mạng trước cả khi chúng được công chiếu trên rạp.

Các bộ phim Ấn Độ bị phát tán bừa bãi trên mạng. Ảnh: amazon

Giá xem phim cao, giá cả vật tư cao, thu nhập thấp là những yếu tố chính yếu dẫn đến việc người dân vô tình hay cố ý vi phạm bản quyền. Do đó, Ấn Độ đã coi cuộc chiến chống lại nạn phim lậu như là một cuộc chiến quyết định sống còn đối với sự phát triển của ngành công nghiệp điện ảnh.

Các quốc gia trên thế giới xử lý vi phạm thế nào?

Tờ báo USA Today đưa tin: Tháng 8/2019, 8 người đàn ông đã bị bắt giữ với tội danh vi phạm bản quyền thông qua việc sao chép và phát tán phim trên các trang web cá nhân. Theo luật sư Matt Huppertz của công ty luật Huppertz and Powers: “Nếu bạn bị bắt vì tội chia sẻ phim trên các trang web, bạn có thể đối mặt với mức phạt từ 750 USD (17,3 triệu đồng) trở lên”.

Dân Việt Nam thường nghĩ rằng, chỉ cần với vài phần mềm VPN thay đổi địa chỉ IP là mình sẽ trở thành hacker vô hình trên mạng. Tuy nhiên, suy nghĩ này là hoàn toàn sai lầm. Nếu muốn, các cơ quan chức năng có thể dễ dàng kiểm tra được các link bạn đã click hay các bộ phim bạn đã xem.

Ở Hoa Kỳ, các cơ quan liên bang vẫn có thể tìm được địa chỉ IP của người dùng để theo dõi. Qua đó, các nhà cung cấp dịch vụ Internet có thể xác định được thiết bị nào đang truy cập web lậu để xem phim. Từng đó bằng chứng là quá đủ để khiến người xem phim lậu ra hầu tòa.

Ấn Độ cực kì nghiêm túc trong cuộc chiến chống nạn phim lậu

Để giải quyết nạn phát tán và xem phim lậu bất hợp pháp, chính phủ Ấn Độ đã giảm thuế dịch vụ, từ đó giảm giá vé xem phim. Điều này cho thấy Ấn Độ xem trọng sáng tạo nghệ thuật, quyền sở hữu trí tuệ của nhà sản xuất đến nhường nào. Các nhà làm phim coi đây là một bước tiến lớn trong công cuộc đẩy lùi nạn phim lậu vốn đang hoành hành bừa bãi ở quốc gia này.

Không chỉ đơn giản vậy, người dùng ở Ấn Độ thậm chí sẽ phải vào tù nếu như cố tình truy cập hoặc phát tán phim lậu trên nền tảng Internet khi chưa có sự đồng ý của chủ sở hữu bản quyền bộ phim.

Tùy từng trường hợp cụ thể mà người truy cập sẽ phải đối mặt với các mức án từ hành chính đến phạt tù. Vi phạm lần đầu tiên, người dùng có thể bị ngồi tù từ 6 tháng đến 3 năm, phạt từ 50.000 đến 200.000 rupee.

Nếu vẫn còn tiếp tục vi phạm, hình phạt sẽ càng trở nên nghiêm trọng hơn. Ngược lại, nếu người dùng chứng minh được hành vi vi phạm của mình không mang tính chất thương mại. Nghĩa là nếu họ chứng minh được rằng việc tải phim chỉ cho mục đích cá nhân thay vì phát tán, bán hoặc cho thuê, mức phạt sẽ nhẹ hơn.

Lỗi do ai?

Phát tán phim lậu đối với xem phim lậu, việc nào nghiêm trọng hơn, lỗi của ai cao hơn? Theo các mức án phạt nêu trên thì có thể tạm cho rằng luật pháp nghĩ việc phát tán phim lậu là tội nặng hơn nhiều so với việc ‘chỉ’ xem phim lậu. Tuy nhiên, nếu không có người xem thì liệu có ai lại dành một đống thời gian đi rình, trộm phim bản quyền, cũng như trả một đống tiền để lưu trữ các bộ phim đó trên mạng (điển hình như web phimmoi hay trả tiền cho các bạn sinh viên để có tài khoản drive giá rẻ)?

Nếu không có cầu thì sẽ không có cung. Đó là yếu tố cơ bản nhất của nền kinh tế. Chẳng ai sẽ dày công nghiên cứu sáng tạo một loại hàng hóa nếu cả thế giới coi món đồ đó là vô giá trị. Vậy nên, để triệt để xử lý tình trạng vi phạm bản quyền, nạn phim lậu tràn lan trên mạng Internet, Chính phủ phải đặt ra những quy định nghiêm ngặt hơn, những hình phạt mạnh tay hơn. Tuy nhiên yếu tố quyết định cuối cùng trong cuộc chiến phim lậu này vẫn phụ thuộc vào ý thức của mỗi người dân.

-Huntress-