Bí mật kinh doanh là gì? Bí mật kinh doanh có gì tương đồng và khác biệt đối với sáng chế?
Theo WIPO, bí mật kinh doanh là quyền sở hữu trí tuệ (IP) đối với thông tin bí mật- những thông tin mà có thể được bán hoặc cấp phép.
Nói chung, để được coi là bí mật kinh doanh, thông tin phải đáp ứng được đủ những điều kiện sau:
• Có giá trị thương mại;
• Chỉ được biết đến với một nhóm cá nhân hạn chế;
• Tuân theo các bước hợp lý được thực hiện bởi chủ sở hữu hợp pháp của thông tin để giữ bí mật, bao gồm cả việc sử dụng các thỏa thuận bảo mật cho các đối tác kinh doanh và nhân viên.
Việc người khác thu thập, sử dụng hoặc tiết lộ trái phép thông tin mật theo cách thức trái với việc trung thực trong kinh doanh thương mại được coi là hành vi không công bằng và vi phạm quy định về bảo vệ bí mật thương mại.
Ví dụ, một công ty sử dụng cách thức phi chính thống để lẻn vào kho lưu trữ dữ liệu của một công ty khác và ăn trộm các bí mật kinh doanh, công thức, phương thức, cách chế tạo sản phẩm của công ty đó, sau đó mang ra ngoài và sử dụng như sản phẩm của công ty họ.
Bí mật kinh doanh bảo vệ những loại thông tin nào?
Nói chung, bất kỳ thông tin kinh doanh mang tính bảo mật, bí mật của công ty đều mang lại lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp và không bị người khác biết đều có thể được bảo vệ dưới dạng bí mật kinh doanh.
Bí mật kinh doanh bao gồm cả thông tin kỹ thuật, chẳng hạn như thông tin liên quan đến quy trình sản xuất, dữ liệu thử nghiệm dược phẩm, thiết kế và bản vẽ của các chương trình máy tính và thông tin thương mại, chẳng hạn như phương thức phân phối, danh sách nhà cung cấp và khách hàng, cùng với chiến lược quảng cáo.
Bí mật kinh doanh cũng có thể được tạo thành từ sự kết hợp của các thành phần. Bản thân mỗi thành phần đều thuộc phạm vi công khai, nhưng được giữ bí mật về sự kết hợp, cách kết hợp giữa các thành phần, điều này sẽ mang lại lợi thế cạnh tranh.
Các ví dụ khác về thông tin có thể được bảo vệ bởi bí mật kinh doanh bao gồm thông tin tài chính, công thức và cách chế biến, mã nguồn.
Bí mật kinh doanh cung cấp các loại quyền nào?
Tùy thuộc vào hệ thống pháp luật, việc hợp pháp sự bảo hộ đối với bí mật kinh doanh hình thành một phần của khái niệm chung về bảo vệ chống cạnh tranh không lành mạnh hoặc dựa trên các quy định cụ thể hoặc án lệ về bảo vệ thông tin bí mật.
Mặc dù quyết định cuối cùng về việc bảo vệ bí mật thương mại có bị vi phạm hay không phụ thuộc vào hoàn cảnh của từng trường hợp cụ thể, nhưng nói chung, các hành vi bao gồm gián điệp công nghiệp hoặc thương mại, vi phạm hợp đồng và vi phạm lòng tin nhằm lấy trộm, tiết lộ hoặc sử dụng bí mật của một bên khác đều được coi là hành vi vi phạm quy định về bảo hộ bí mật kinh doanh.

Tuy nhiên, chủ sở hữu bí mật kinh doanh không thể ngăn cản người khác sử dụng cùng một thông tin kỹ thuật hoặc thông tin thương mại, nếu họ tự mình thu thập hoặc phát triển thông tin đó một cách độc lập thông qua R&D, kỹ thuật đảo ngược hoặc phân tích tiếp thị,…
Vì bí mật kinh doanh không được công khai nên nó sẽ không được bảo hộ như đối với sáng chế và bằng sáng chế. Ví dụ, nếu một quy trình cụ thể để sản xuất Hợp chất X đã được bảo hộ bí mật kinh doanh, thì người khác có thể nhận được bằng sáng chế hoặc mô hình hữu ích trên cùng một sáng chế, nếu nhà sáng chế đó tự sáng tạo nên sáng chế đó một cách độc lập, sử dụng một trong các phương thức kể trên.
Bí mật kinh doanh có thể được bảo vệ như thế nào?
Các công ty nên thực hiện các biện pháp phòng ngừa để bảo vệ bí mật thương mại chống lại hành vi trộm cắp hoặc chiếm đoạt, bao gồm:
• Thỏa thuận không tiết lộ (NDA): nhân viên và đối tác kinh doanh nên ký một thỏa thuận không tiết lộ để ngăn họ tiết lộ thông tin bí mật của công ty;
• Thỏa thuận không cạnh tranh (NCA): người sử dụng lao động nên yêu cầu nhân viên, nhà thầu và nhà tư vấn ký một thỏa thuận không cạnh tranh để ngăn họ tham gia vào cạnh tranh khi thỏa thuận việc làm / dịch vụ của họ kết thúc;
• Cơ sở hạ tầng bảo mật CNTT mạnh mẽ;
• Kiểm soát khả năng truy cập của các tài liệu quan trọng.
(Theo WIPO)