Rau sam vốn chỉ được biết đến như một món ăn thân quen của người Việt Nam, tuy nhiên, ngày nay, sau nghiên cứu miệt mài của PGS.TS Trần Thị Oanh, rau sam giờ đây đã trở thành một nguyên liệu quan trọng trong sáng chế có tác dụng kích thích tăng trưởng các tế bào da và hạn chế sự bay hơi từ lớp da, qua đó làm cho da có cảm giác căng, mọng và giảm vết nhăn.

Công dụng của rau sam

Rau sam từ lâu đã được biết đến như “vị thuốc trường thọ” hay “thần dược mọc hoang” ở Việt Nam.

Không chỉ được sử dụng trong bữa ăn gia đình ấm cúng, rau sam còn được chứng minh từ lâu là có nhiều tác dụng tốt với một số bệnh lý của người, đúng với danh hiệu cây thuốc phương Nam.

Cụ thể, theo các nghiên cứu và báo cáo chuyên môn, các thành phần cấu tạo nên rau sam có khả năng khử các gốc tự do, giảm quá trình chết các tế bào thần kinh, giảm thiếu hụt dopamine ở vùng vân. Qua đó, hỗ trợ bảo vệ thần kinh và điều trị bệnh Parkinson (rối loạn thoái hóa chậm tiến triển).

Ngoài ra, rau sam còn có tác dụng bảo vệ các tế bào khỏi tổn thương do thiếu oxy, ức chế enzyme acetyl cholinesterase (thường gặp trong bệnh Alzheimer – sa sút trí tuệ).

Thành phần quan trọng trong kem dưỡng da

Dẫu rằng rau sam có nhiều công dụng tuyệt vời trong y học, thậm chí có khả năng hỗ trợ suy giảm các bệnh nặng như Parkinson và Alzheimer, tuy nhiên, các công dụng đó hầu hết chỉ ở giai đoạn lý thuyết bởi mới chỉ được thử nghiệm trên động vật như chuột.

Tuy nhiên, mới đây, Việt Nam đã đi đầu thế giới khi công bố ra nghiên cứu sử dụng rau sam như thành phần chính để tạo nên một sáng chế – kem dưỡng da có tác dụng làm đẹp, bảo hộ da dẻ con người.

Kem dưỡng da do PGS.TS Trần Thị Oanh sáng tạo đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) cấp bằng độc quyền sáng chế số 1-0029901 công bố vào ngày 25/10/2021.

Sau nhiều năm nghiên cứu, PGS.TS Oanh phát hiện ra một phân đoạn flavonoid của rau sam có hoạt chất kaempferol có tác dụng kích thích tăng trưởng các tế bào da và hạn chế sự bay hơi từ lớp da, do đó có thể làm cho da có cảm giác căng, mọng và giảm vết nhăn.

Bảo hộ sáng chế từ rau sam – PGS.TS Trần Thị Oanh. Ảnh: Báo khoa học và phát triển

Không chỉ vậy, PGS.TS Oanh còn cho biết rằng trong phân đoạn này còn có một chất quan trọng nữa là vitamin C, khi kết hợp với hoạt chất oleracea sẽ đem lại tác dụng dưỡng da rất tốt.

Sau khi nhận được bằng sáng chế, đến nay, nhóm của PGS.TS Trần Thị Oanh đã thương mại hóa thành công sản phẩm kem dưỡng da có tên SAM Cosmetic với công suất sản xuất khoảng 30,000 lọ/lô và nhận được phản hồi tốt từ người tiêu dùng.

Bàn về các dự định tương lai, PGS.TS Oanh cho biết rằng cô đang hướng đến một vùng trồng đạt tiêu chuẩn “Thực hành tốt nuôi trồng và thu hái” GACP để có thể xuất khẩu. Cô cho biết: “Trước đây, mình đã đặt vấn đề với người dân ở một huyện rồi. Khi đợt dịch này qua, mình sẽ bắt đầu khởi động lại chương trình thương mại.”

Theo Bài viết hợp tác giữa Cục Sở hữu trí tuệ và Báo Khoa học và Phát triển