Trong thời đại tri thức và công nghệ ngày nay, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ là một trong những vấn đề mà các nước ngày càng quan tâm, do đó, nhu cầu bảo hộ ở các thị trường xuất khẩu đối với nhãn hiệu cũng ngày càng tăng. Tuy nhiên, chế độ bảo hộ nhãn hiệu giữa các nước có sự khác nhau làm ảnh hưởng đến lợi ích của các bên; và một trong số đó chính là quy định về các dấu hiệu có thể được sử dụng làm nhãn hiệu. Nói cụ thể hơn là vấn đề bảo hộ các loại nhãn hiệu phi truyền thống, đặc biệt là về nhãn hiệu vị giác.

Theo INTA (Hiệp hội Thương hiệu Quốc tế) và AIPPI (Hiệp hội quốc tế về bảo vệ sở hữu trí tuệ), nhãn hiệu phi truyền thống không nhận biết bằng thị giác là các loại nhãn hiệu có dấu hiệu được nhận biết bằng các giác quan khác ngoài thị giác như thính giác, khứu giác, xúc giác, vị giác bao gồm nhãn hiệu âm thanh, nhãn hiệu mùi, nhãn hiệu nhận biết bằng vị giác và nhãn hiệu nhận biết bằng xúc giác.

Theo đó, nhãn hiệu nhận biết bằng vị giác được định nghĩa là nhãn hiệu dùng vị giác để phân biệt nguồn gốc thương mại của sản phẩm hoặc dịch vụ. Giống như nhãn hiệu mùi, nhãn hiệu nhận biết bằng vị giác gặp phải trở ngại trong việc thể hiện đồ họa dấu hiệu vị giác, bởi bản thân vị của sản phẩm phải gắn với chính sản phẩm đó. Các dấu hiệu nhận biết dựa trên các giác quan khác ngoài thị giác thường bị ảnh hưởng bởi sự suy giảm và lẫn lộn về cảm giác.

bảo hộ nhãn hiệu vị giác, nhãn hiệu vị giác, vị giác,
Bảo hộ nhãn hiệu vị giác

Dấu hiệu vị thường sẽ được nhận biết khác nhau bởi vị giác của mỗi con người hoàn toàn khác nhau, thêm vào đó vị cũng sẽ bị thay đổi do các tác động của các yếu tố khách quan như thời gian, độ ẩm, nhiệt độ,… Chính vì vậy mà hiện nay trong số các dấu hiệu không nhận biết bằng thị giác thì dấu hiệu mùi và vị thường ít được các quốc gia chấp nhận bảo hộ so với nhãn hiệu âm thanh. Tuy nhiên, đến nay cũng chưa có nhãn hiệu nhận biết bằng vị giác nào được cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu.

Đơn đăng ký nhãn hiệu nhận biết bằng vị giác đầu tiên là ở Mỹ, đăng ký vị cam cho thuốc miễn dịch dạng sủi, tuy nhiên, USPTO đã từ chối bảo hộ vì lí do vị đó mang tính chức năng, không có khả năng phân biệt. Trước tiên, vị là một trong các đặc trưng của thuốc uống, người tiêu dùng thường không coi vị là một dấu hiệu nhận biết như nhãn hiệu. Ngoài ra, vị cam là vị thường được sử dụng trong lĩnh vực dược phẩm, chế biến thuốc, mang tính chức năng đối với loại sản phẩm này. Nếu cấp độc quyền việc sử dụng vị này cho một doanh nghiệp dược phẩm sẽ ảnh hưởng tới các doanh nghiệp dược phẩm khác.

Từ đó chúng ta có thể rút ra được một số thách thức trong bảo hộ nhãn hiệu phi truyền thống như sau:

– Thách thức trong việc xây dựng tiêu chí đánh giá nhãn hiệu phi truyền thống được đăng ký bảo hộ, cụ thể là:

1. Rất khó để tưởng tượng được một hương vị nào quan trọng có thể bảo hộ. Điều này được giải thích bởi mức độ chủ quan đáng kể trong nhận thức về thị hiếu, đặc trưng mùi, âm thanh, xúc giác của con người là khác nhau.

2. Phần lớn các sản phẩm cho ra vị đặc trưng không phải là các hợp chất hóa học riêng biệt, mà là các hỗn hợp phức tạp để phân tích chính xác.

– Thách thức trong đào tạo chuyên gia đánh giá, thẩm định đối tượng được bảo hộ: Bởi vì bảo hộ nhãn hiệu phi truyền thống yêu cầu cần có những chuyên gia có khả năng cảm nhận tốt, khách quan trong đánh giá khả năng được bảo hộ vị giác.

– Thách thức trong việc tạo ra một hệ thống tiêu chuẩn đầy đủ để đăng ký nhãn hiệu vị vì do có rất nhiều yếu tố ngoại cảnh có thể ảnh hưởng đến mùi vị.

– Thách thức trong việc cho phép chủ thể tự do đăng ký các nhãn hiệu phi truyền thống: Vì người nộp đơn có thể bắt đầu lợi dụng quyền của họ và đăng ký tất cả vị, dẫn đến những hậu quả bất lợi như thiết lập quyền độc quyền trên một vị nhất định.